Sáng 17/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Với trọng tâm là nới lỏng các điều kiện liên quan đến nhập và trở lại quốc tịch, dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn" pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học… góp phần thu hút nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, phát triển nhân lực chất lượng cao và đổi mới tư duy pháp luật. Dự thảo lần này tập trung vào hai chính sách lớn:

  • Chính sách thứ nhất: Nới lỏng điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, đặc biệt với người có cha mẹ, ông bà là công dân Việt Nam; người chưa thành niên; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia...
  • Chính sách thứ hai: Mở rộng diện và điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam cho người đã từng mất quốc tịch.

Không chỉ tạo thuận lợi về thủ tục, dự thảo Luật cũng cho phép các đối tượng đặc biệt được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam -nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định và được Chủ tịch nước cho phép.

Một điểm mới đáng chú ý là dự thảo bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, người mang hai quốc tịch muốn tham gia cơ quan dân cử, cơ quan thuộc hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, cơ yếu… phải là người chỉ có quốc tịch Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật cũng cho phép ngoại lệ nếu trường hợp đó “có lợi cho Nhà nước Việt Nam, không phương hại lợi ích quốc gia” - nhằm không bỏ lỡ nhân tài là kiều bào hoặc người nước ngoài gốc Việt.

Dự thảo đồng thời bổ sung quy định về quyền quyết định tối cao của Nhà nước trong vấn đề quốc tịch, khẳng định quyết định về quốc tịch không là đối tượng khiếu kiện, khiếu nại, thể hiện rõ nguyên tắc chủ quyền quốc gia.

Luật cũng đề xuất bỏ yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch, đồng thời rút ngắn thời gian chuyển hồ sơ giữa các cơ quan có thẩm quyền - hướng đến mục tiêu cải cách hành chính, minh bạch, hiệu quả.

Trong Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự cần thiết và phạm vi sửa đổi của dự án Luật, song đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn "cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch" theo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57-NQ/TW để tăng sức hút đối với chuyên gia người Việt ở nước ngoài.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam không chỉ tháo gỡ những vướng mắc pháp lý hiện hành, mà còn thể hiện tinh thần đổi mới, nhân văn và chủ động hội nhập. Việc nới lỏng quy định về quốc tịch sẽ mở rộng cánh cửa cho hàng triệu người Việt Nam xa xứ và những người có đóng góp tích cực với đất nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời thu hút nguồn lực phục vụ sự phát triển trong kỷ nguyên số.