Luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích, Điều 14 Bộ luật Lao Động năm 2019 quy định rõ hợp đồng lao động có thể tồn tại dưới 3 dạng: bằng văn bản, qua phương tiện điện tử và bằng lời nói. Trong đó hợp đồng lao động điện tử có giá trị tương đương với giá trị được ký kết bằng hợp đồng văn bản. Theo tinh thần của Bộ luật Lao động 2019, về cơ bản, chỉ các hợp đồng lao động thời hạn quá ngắn (dưới 1 tháng) mới giao kết bằng lời nói. Việc giao kết Hợp đồng lao động bằng văn bản sẽ giúp các bên có những căn cứ chính xác để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, có 03 loại hành vi mà người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:

- Không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

- Không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

- Không được buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động. Đây là điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 so với Điều 20 Bộ luật Lao động 2012.

Hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động được hiểu là hợp đồng ký kết để ghi nhận việc người lao động làm việc trả tiền đang vay hay để bù nợ cho người sử dụng lao động. Quy định này nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức. Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được đề cập trong Công ước số 29, Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế và Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Tại Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, tùy theo tính chất công việc và mức độ phức tạp của công việc, thời gian thử việc khác nhau. Tuy nhiên chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và thời gian làm việc sẽ được chia làm các trường hợp như sau:

Thứ nhất, với công việc quản lý doanh nghiệp, ví dụ như giám đốc doanh nghiệp, giám đốc chi nhánh,... thời gian thử việc sẽ không quá 180 ngày (gấp 3 lần so với quy định tại Bộ luật Lao động 2012 bởi so với đặc thù công việc quản lý, lãnh đạo, 60 ngày chưa đủ để đánh giá được người đó có thể đảm nhiệm được công việc đó hay không.

Thứ hai, sẽ không quá 60 ngày với nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên như với ngành nghề kế toán, chuyên viên,...

Thứ ba, với trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ như công nhân tốt nghiệp các trường cao đẳng, nghiệp vụ lễ tân,... thời gian thử việc sẽ không quá 30 ngày.

Thứ tư, không quá 6 ngày đối với công việc khác.

Trong quan hệ lao động, so với nhóm lao động thành niên, các quyền lợi của người chưa thành niên thường dễ bị xâm hại hơn do việc chưa phát triển hoàn thiện về thể lực, trí lực. Về vấn đề này, Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019 và thông tư 11/2013 của BLĐTT-XH có quy định như sau:

Thứ nhất, người chưa đủ 13 tuổi chỉ được phép làm một số công việc như diễn viên múa; hát; xiếc; điện ảnh,.. và vận động viên năng khiếu như bóng bàn, bóng rổ, món võ, các môn cờ, điền kinh (trừ tạ xích),...

Thứ hai, người đủ từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi thì chỉ được phép thực hiện các công việc theo Thông tư số 11/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ví dụ như nuôi tằm, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các nghề truyền thống và các công việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi.

Thứ ba, người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm mọi loại công việc mà người thành niên được làm, ngoại trừ các công việc liên quan đến các ngành nghề độc hại, nặng nhọc, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên và các ngành sản xuất bia rượu thuốc lá, các công việc liên quan đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như quán bar, vũ trường, sòng bài…

Nghe tư vấn của Luật sư Nguyễn Doãn Hùng tại đây: