Khi tham gia vào các quan hệ xã hội có rất nhiều trường hợp các bên mâu thuẫn về một vấn đề nào đó và xẩy ra tranh chấp. Các tranh chấp trong quan hệ dân sự thì vô cùng đa dạng có thể đơn cử như tranh chấp về việc thanh toán tiền mua hàng trong Hợp đồng mua bán hàng hóa, tranh chấp về chất lượng của sản phẩm dịch vụ nào đó hoặc có thể là tranh chấp khi một bên không thực hiện một nghĩa vụ cụ thể mà hai bên đã thỏa thuận với nhau trước đó… v.v….… Thực tiễn cho thấy, khi xảy ra tranh chấp có rất nhiều cách thức để giải quyết như thương lượng, đàm phán, hòa giải và yêu cầu một cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, đó là các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định.

Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Theo đó có 3 loại tranh chấp lao động, đó là: Tranh chấp lao động cá nhân; Tranh chấp lao động tập thể về quyền và Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Có thể khái quát chung trình tự thủ tục như sau:

Bước 1. Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên cơ sở.

Trừ một số trường hợp như tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp thất nghiệp hoặc tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì tranh chấp lao động cá nhân trước hết được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Trong vòng 05 ngày làm việc, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Nếu các bên có thể thống nhất được và thiện chí thực hiện phương án hòa giải thì tranh chấp sẽ được giải quyết.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong các bên không thực hiện theo phương án hòa giải đã thống nhất thì sẽ lựa chọn theo một trong hai phương thức là yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bước 2. Giải quyết thông qua Hội đồng trọng tài lao động

Trong vòng 7 ngày từ khi nhận được yêu cầu thì ban trọng tài phải được thành lập để giải quyết tranh chấp và trong thời hạn 30 ngày từ khi thành lập thì ban trọng tài phải ra quyết định giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên.

Nếu Ban trọng tài không được thành lập hoặc không ra quyết định giải quyết tranh chấp theo các thời hạn nêu trên hoặc một trong các bên không thực hiện theo quyết định giải quyết của Ban trọng tài thì có thể khởi kiện tại Tòa án.

Bước 3. Khởi kiện tại Tòa án

Trình tự thủ tục tại Tòa án sẽ tuân thủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các bước như sau:

Bước 1. Cá nhân nộp hồ sơ khởi kiện theo quy định.

Bước 2. Tòa án xem xét thụ lý vụ án. Tùy từng trường hợp mà ra các quyết định như: Trả lại đơn khởi kiện, yêu cầu sửa đổi bổ sung hoặc thụ lý vụ án theo quy định.

Bước 3. Tòa án tiến hành hòa giải, chuẩn bị xét xử.

Bước 4. Tòa án sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đối với những tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nên trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 197 của Bộ luật Lao động 2019;

b) Tổ chức đại diện người lao động có quyền tiến hành thủ tục về đình công.

Mời các bạn cùng nghe đầy đủ nội dung tư vấn của Luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin dưới đây: