Ở Việt Nam, tổ chức BHTG thời gian qua đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng; đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, nhờ đó tạo được lòng tin cho người gửi tiền. Tâm lý của người gửi tiền là khi không may Ngân hàng gặp rủi ro thì khách hàng sẽ nhận được tiền bảo hiểm là bao nhiêu?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại – Công ty Luật TNHH Hừng Đông trao đổi cùng phóng viên VOV2 về vấn đề này:

PV: Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật hiện hành, hạn mức trả tiền bảo hiểm với các khoản tiền gửi khác nhau của một khách hàng tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, hoặc tại nhiều chi nhánh của cùng một tổ chức ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?

Luật sư:

Khoản 1 Điều 24 Luật BHTG quy định: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.”

Khoản 1 Điều 25 Luật BHTG quy định: “Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 24 của Luật này.”

Khoản 2 Điều 24 Luật BHTG quy định: Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ.

Theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 12/12/2021, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng.

Phần vượt hạn mức này sẽ được chi trả trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định tại Điều 27, Luật BHTG.

Như vậy, khi một khách hàng gửi nhiều khoản tiền khác nhau (không phân biệt gửi trực tuyến hay gửi trực tiếp) tại cùng một tổ chức tham gia BHTG thì các khoản tiền gửi này không được bảo hiểm độc lập. Hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 125 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi) cho tất cả các khoản tiền gửi của một người tại một tổ chức tham gia BHTG.

PV: Vậy hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định hiện hành là 125 triệu đồng được xác định dựa trên những yếu tố nào?

Luật sư:

Theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để góp phần duy trì kỷ luật thị trường và hạn chế rủi ro đạo đức.

Cụ thể, hạn mức trả tiền bảo hiểm được xác định dựa trên những yếu tố sau:

- Hạn mức trả tiền bảo hiểm là có giới hạn và bảo hiểm cho số đông người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền nhỏ lẻ, nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).

- Phù hợp tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

- Hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng phải đạt yêu cầu về mức độ đáng tin cậy, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG.

PV: Thưa luật sư, có không ít thính giả thắc mắc, số tiền bảo hiểm được chi trả đối với người được BHTG vừa có khoản tiền gửi vừa có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được tính như thế nào khi tổ chức đó được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng chi trả hoặc phá sản?

Luật sư:

Theo Khoản 3 Điều 25 Luật BHTG: “Trường hợp người được BHTG có khoản nợ tại tổ chức tham gia BHTG thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó”.

Như vậy số tiền bảo hiểm chi trả đối với mỗi cá nhân được BHTG xác định như sau:

- Trường hợp người được BHTG có tổng các khoản nợ tại tổ chức tham gia BHTG nhỏ hơn tổng số tiền gửi của họ tại đó, thì số tiền bảo hiểm được chi trả là số tiền còn lại sau khi đối trừ tổng các khoản nợ (gốc và lãi) đến thời điểm chi trả nhưng tối đa không quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.

- Trường hợp người được BHTG có tổng các khoản nợ (gốc và lãi) tại tổ chức tham gia BHTG lớn hơn số tiền gửi, thì BHTGVN không có nghĩa vụ chi trả đối với người được BHTG đó.

PV: Trong trường hợp người gửi tiền ở ngân hàng A có tham gia BHTG, sau đó họ lại dùng chính thẻ tiết kiệm của ngân hàng A đó cầm cố tại ngân hàng B. Khi ngân hàng A mất khả năng chi trả hoặc phá sản thì người gửi tiền có được chi trả tiền bảo hiểm không, thưa luật sư?

Luật sư:

Người gửi tiền nói trên được chi trả tiền bảo hiểm khi có đủ các điều kiện:

- Có tên trong danh sách người được BHTG tại ngân hàng A và số tiền bảo hiểm đã được BHTGVN phê duyệt.

- Xuất trình đủ các giấy tờ xác định về nhân thân và quyền sở hữu của mình đối với các khoản tiền gửi tại ngân hàng đó.

Khi đó, số tiền gửi được bảo hiểm được xác định theo quy định hiện hành của pháp luật về BHTG và không phải khấu trừ khoản nợ gốc và lãi của họ tại ngân hàng khác.

PV: Vậy khi hai hay nhiều tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hợp nhất hoặc sáp nhập thì tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại các tổ chức này được bảo hiểm như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư :

Trường hợp hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG hợp nhất: tiền gửi của người được BHTG vẫn tiếp tục được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG là tổ chức mới được hình thành sau hợp nhất.

Trường hợp hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG sáp nhập vào một tổ chức tham gia BHTG khác: tiền gửi của người được BHTG tại tổ chức bị sáp nhập vẫn tiếp tục được bảo hiểm tại tổ chức nhận sáp nhập.

Nếu tổ chức tham gia BHTG sau sáp nhập hay hợp nhất đó lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo hạn mức hiện hành là 125 triệu đồng mỗi cá nhân.

PV: Trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp khoản tiền gửi tiết kiệm với người thụ hưởng là người dưới 15 tuổi và người gửi tiền là người đại diện theo pháp luật là cha/mẹ được xác định như thế nào?

Luật sư:

Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

- Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.

Điều 55, Điều 56 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người giám hộ có nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự và quản lý tài sản của người được giám hộ.

Như vậy, người dưới 18 tuổi là cá nhân có năng lực pháp luật dân sự độc lập và bình đẳng. Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể trực tiếp mở tài khoản tại ngân hàng. Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.

Người đại diện theo pháp luật là cha/mẹ đại diện cho người dưới 15 tuổi trong các giao dịch dân sự và quản lý tài sản của người đó.

Số tiền bảo hiểm được trả cho cá nhân người dưới 15 tuổi được xác định độc lập theo quy định của pháp luật về BHTG tối đa không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành mà không liên quan đến việc xác định số tiền bảo hiểm được trả cho cá nhân là người đại diện theo pháp luật.

PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư!

Mời các bạn nghe âm thanh dưới đây