Phóng viên VOV2 có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin về vấn đề này:

PV: Thưa Luật sư! Trong đời sống xã hội thì rất dễ xẩy ra mâu thuẫn giữa con người với nhau. Hòa giải, đối thoại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và văn hóa của người Việt Nam. Việc hòa giải thì vẫn diễn ra hàng ngày trong các mối quan hệ ở bất cứ đâu. Thế nhưng việc hòa giải, đối thoại ở Tòa án được hiểu như thế nào?

Luật sư: Khái niệm hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, hai khái niệm này được hiểu như sau:

“2. Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này.

3. Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này.”

PV: Chúng tôi có nhận được thắc mắc của một thính giả ở Hà Nội với nội dung như thế này:

Tôi và người hàng xóm có chung tiền nhau làm ăn đã gần chục năm nay. Cách đây gần 3 năm tôi muốn lấy số tiền đó về để sử dụng vào việc khác, nhưng ông ta nhất định không trả lại tôi. Đòi đi đòi lại mãi không được, mới đây, tôi đã đệ đơn lên tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, cán bộ thụ lý đơn của tôi nói rằng sẽ tiến hành hòa giải trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nói rằng đây là việc bắt buộc. Tôi không hiểu sao tòa lại phải làm như vậy. Chúng tôi cũng đã hòa giải với nhau nhiều rồi nhưng không có kết quả nên mới phải đưa ra tòa.

Thưa Luật sư, thắc mắc của thính giả này là khi đã có đơn kiện gửi Tòa án rồi thì có bắt buộc phải tiến hành hòa giải nữa không? Cán bộ thụ lý đơn giải thích như vậy có đúng không?

Luật sư: Căn cứ tại Khoản 5 Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì:

“Điều 19. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

5. Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại;

Xét trong trường hợp của quý thính giả, việc cán bộ thụ lý đơn giải thích đây là trường hợp bắt buộc hòa giải, đối thoại như vậy là không đúng vì nếu thính giả đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Tòa án sẽ phải xem xét, giải quyết đơn mà không tiến hành hành hòa giải, đối thoại.

PV. Vâng, như vậy là bên cạnh những vụ việc bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại Tòa án thì có trường hợp nào không thể tiến hành hòa giải, đối thoại được hay không, thưa Luật sư?

Luật sư: Như đã đề cập ở trên, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có quy định những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bao gồm:

“Điều 19. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

2. Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

3. Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.

4. Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

5. Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.

6. Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

PV: Vậy, Luật sư có thể cho thính giả của chương trình được biết về trình tự các bước tiến hành hòa giải được quy định như thế nào?

Luật sư: Căn cứ theo Điều 23, Điều 26 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì trình tự phiên hòa giải, đối thoại được quy định như sau:

Bước 1: Hòa giải viên giới thiệu thành phần tham gia phiên hòa giải, đối thoại; trình bày nội dung cần hòa giải, đối thoại; diễn biến quá trình chuẩn bị hòa giải, đối thoại; phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành, đối thoại thành.

Bước 2: Các bên tham gia phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình bày quan điểm, ý kiến, cụ thể:

- Người khởi kiện, người yêu cầu hoặc người đại diện của họ trình bày nội dung yêu cầu, khởi kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại và hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

- Người bị kiện hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

- Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại phát biểu ý kiến.

Bước 3: Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ để hỗ trợ các bên trao đổi ý kiến, trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ và đi đến thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện:

+ Phổ biến, giải thích quyền, nghĩa vụ của các bên.

+ Tạo điều kiện để các bên đề xuất, trao đổi về phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

+ Phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất.

Bước 4: Hòa giải viên tóm tắt những vấn đề các bên đã thỏa thuận, thống nhất hoặc chưa thỏa thuận, thống nhất.

PV: Ngoài các bên tham gia hòa giải thì trong một phiên hòa giải tại Tòa án bắt buộc phải có những thành phần như thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư: Theo quy định tại Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các thành phần tham gia phiên hòa giải, đối thoại gồm:

“Điều 25. Thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Thành phần phiên hòa giải, đối thoại gồm có:

a) Hòa giải viên;

b) Các bên, người đại diện, người phiên dịch;

c) Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.

2. Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; đồng thời phải thông báo bằng văn bản về họ, tên, địa chỉ của người đại diện cho bên kia và Hòa giải viên biết. Đối với hòa giải việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của các bên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.

3. Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại. Người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.”

PV: Thực tế có thể xẩy ra là đến thời gian hòa giải đã được ấn định mà đương sự lại vắng mặt thì trường hợp này có được hoãn phiên hòa giải hay không?

Luật sư: Trong trường hợp đến thời gian hòa giải, đối thoại mà đương sự vắng mặt thì hòa giải viên sẽ hoãn phiên họp theo quy định tại Điểm a, khoản 1, điều 29 như sau:

“Điều 29. Hoãn phiên họp, mở lại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Hòa giải viên hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Một trong các bên đã được thông báo mà vắng mặt. Trường hợp vắng mặt lần thứ hai mà không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì chấm dứt hòa giải, đối thoại; Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 41 của Luật này;

PV: Thông thường trong quá trình tiến hành hòa giải một vụ việc gì đó ngoài xã hội, các bên tham gia vẫn thường sử dụng hình thức ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng về sau. Vậy khi hòa giải tại Tòa án thì có được quyền ghi âm, ghi hình phiên hòa giải hay không, thưa Luật sư?

Luật sư: Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì:

“ 2. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại……”

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục, vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

PV: Sau khi kết thúc phiên hòa giải thì việc công nhận kết quả hòa giải được quy định như thế nào?

Luật sư: Khi hòa giải, đối thoại thành thì việc công nhận kết quả được quy định như sau:

Căn cứ theo Điều 32, Điều 33 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa Án 2020, thủ tục công nhận kết quả hoà giải, đối thoại thành được quy định như sau:

- Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.

- Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu một hoặc các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

- Hết thời hạn nêu trên, Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Công ty Luật ALadin.

Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi: