Để đảm bảo sự ổn định của các quan hệ dân sự, hạn chế khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc giải quyết tranh chấp dân sự thì pháp luật nước ta cũng như nhiều nước khác đều có quy định một thời hạn nhất định cho sự phát sinh, tồn tại hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Thời hạn này được gọi là thời hiệu. Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định". Hậu quả pháp lý ở đây có thể là việc chủ thể được hưởng quyền dân sự hay được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện.

Có 04 loại thời hiệu, đó là:

1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, về nguyên tắc thì thời hiệu phải được tính liên tục, từ thời điểm bắt đầu cho đến thời điểm kết thúc của thời hiệu. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định những trường hợp (những sự kiện pháp lý) làm cho thời hiệu bị gián đoạn, khoảng thời gian xảy ra các sự kiện pháp lý này sẽ không được tính vào thời hiệu, hoặc khi xảy ra các sự kiện pháp lý luật định thì thời hiệu sẽ được tính lại (bắt đầu lại) từ đầu.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai” sẽ thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do đó các tranh chấp đất đai, tức là các “tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai” (Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013) sẽ không có thời hiệu khởi kiện, có nghĩa là các chủ thể sẽ không bị giới hạn thời hiệu khởi kiện vụ dân sự, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Bên cạnh đó, Điều 155 Bộ luật dân sự cũng quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong một số trường hợp khác như: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác; và các trường hợp khác do luật quy định.

Mời quý vị nghe một số thông tin đáng lưu ý liên quan đến thời hiệu khởi kiện, giải quyết tranh chấp dân sự tại đây: