Theo quy định, mức thu lệ phí môn bài được tính trên vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư đăng ký của các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi chung là các doanh nghiệp, hợp tác xã). Với cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, lệ phí môn bài được tính theo doanh thu. Thạc sỹ luật học Nguyễn Đức Ngọc, giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, mức lệ phí môn bài phải nộp hàng năm là 3 triệu đồng. Vốn dưới 10 tỷ đồng, mức nộp lệ phí môn bài là 2 triệu đồng/năm. Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm sẽ nộp 1 triệu lệ phí môn bài; từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng nộp lệ phí môn bài 500.000đ và doanh thu từ trên 100 triệu tới dưới 500 triệu đồng nộp 300.000đ. Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm được miễn nộp lệ phí môn bài.

Mức nộp lệ phí môn bài hàng năm không lớn nhưng nếu không khai, chậm khai và chậm nộp lệ phí môn bài thì mức phạt khá cao. Theo thạc sĩ luật học Nguyễn Đức Ngọc, Nghị định 125/2020 quy định mức phạt nếu chậm khai lệ phí môn bài tối đa có thể lên tới 25 triệu đồng. Nếu đã khai lệ phí môn bài mà chậm nộp thì số tiền phạt chậm nộp được tính theo ngày bằng 0,05% số tiền chậm nộp lệ phí môn bài.

Tuy là khoản thu bắt buộc phải nộp hàng năm nhưng cũng có nhiều trường hợp được miễn lệ phí môn bài. Cụ thể khi nào được miễn nộp lệ phí môn bài? Các cá nhân, hộ kinh doanh mới ra kinh doanh chưa có doanh thu thì lệ phí môn bài sẽ nộp ra sao? Trong trường hợp tạm dừng kinh doanh thì có phải nộp lệ phí môn bài hay không? Mời quý vị nghe trao đổi của thạc sỹ luật học Nguyễn Đức Ngọc, giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội về các quy định của pháp luật liên quan tới lệ phí môn bài.