Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội:

Cuối tháng 4 vừa qua, dư luận chấn động bởi thông tin của một vụ cướp ngân hàng ở huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Theo đó, khoảng 13h30 ngày 21/4, Công an xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội nhận được tin báo về việc một đối tượng dùng dao và chai xăng đe dọa nhân viên ngân hàng, sau đó cướp đi số tiền 214 triệu đồng. Sau khi gây án, đối tượng lên xe máy tẩu thoát khỏi hiện trường. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, truy bắt đối tượng.

Đến khoảng 4h sáng ngày 23/4, Phòng Cảnh sát Hình sự cùng các đơn vị chức năng đã bắt giữ khi đối tượng đang lẩn trốn tại một lán trại ở khu vực bãi sông Hồng, thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Lực lượng chức năng cũng đã thu giữ nhiều tang vật liên quan đến vụ cướp ngân hàng gồm điện thoại, hơn 76 triệu đồng tiền mặt và 176 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, xe máy đối tượng đã tháo biển kiểm soát để bỏ trốn

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận là Vũ Văn Lịch, 40 tuổi, ở huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Do ham mê cờ bạc, Lịch từng phải bán nhà để trả nợ. Khoảng hơn một năm trước, Lịch báo nợ thêm 200 triệu đồng nhưng bố mẹ từ chối trả nợ giúp, vợ thì đệ đơn ly hôn. Lịch nảy ý định cướp ngân hàng vì... “muốn đi tù”.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, hành vi cướp ngân hàng, bất kể ở hoàn cảnh cụ thể nào, đều là hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội. Hành vi cướp tài sản xâm phạm đồng thời hai nhóm quan hệ xã hội được pháp luật hình sự đặc biệt bảo vệ, đó là quyền sở hữu tài sản và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người.

Liên hệ với vụ việc cướp ngân hàng nêu trên, đối tượng Vũ Văn Lịch đã sử dụng hung khí nguy hiểm có tính sát thương cao (dao và chai xăng) để đe dọa nhân viên ngân hàng, sau đó chiếm đoạt số tiền 214 triệu đồng và nhanh chóng bỏ trốn bằng xe máy. Hành vi của nghi phạm rất manh động, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện và mong muốn chiếm được tiền để giải quyết nhu cầu cá nhân. Hành vi của Vũ Văn Lịch là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi cướp tài sản nên người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 168 của Bộ luật này quy định 3 khung hình phạt như sau:

- Khung hình phạt cơ bản: Phạt tù từ 03 năm - 10 năm đối với người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: Phạt tù từ 07 năm - 15 năm phạm tội một trong các trường hợp sau:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Tái phạm nguy hiểm.

- Khung hình phạt tăng nặng thứ 2: Phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

Làm chết người;

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

Ngoài ra còn có khung hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10 triệu đồng - 100 triệu đồng. Phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó, đối với người chuẩn bị phạm tội cướp tài sản, pháp luật đã có quy định dự liệu tại Điều 14 và Điều 168 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người có hành vi chuẩn bị phạm tội cướp tài sản có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp người phạm tội cướp ngân hàng ra đầu thú, hành vi này được xem là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và thái độ thành khẩn khai báo, người đầu thú sẽ được xem xét để giảm nhẹ hình phạt trong quá trình lượng hình.

Có thể nói, cướp ngân hàng là hành vi phạm pháp nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn tính mạng không chỉ của nhân viên ngân hàng mà còn của người dân và xâm phạm đến tài sản của ngân hàng. Người thực hiện hành vi phạm tội này nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện.