Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh thì việc kinh doanh online qua mạng xã hội không thuộc một trong các trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ về đăng ký kinh doanh. Do đó, phụ thuộc vào từng loại hoạt động kinh doanh và mức thu nhập cụ thể mà có thể xác định được có phải đăng ký kinh doanh hay không.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự cho biết, căn cứ theo khoản 1 Điều 55 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử cá nhân kinh doanh online qua mạng xã hội không cần phải đăng ký kinh doanh với Bộ Công Thương mà chỉ thương nhân, tổ chức mới tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc lập các website thương mại điện tử bán hàng do chính thương nhân, tổ chức thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Tuy nhiên, theo luật sư Bách, các cá nhân kinh doanh online nên đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với Nhà nước, tránh trường hợp bị phạt vì không kê khai, không nộp thuế.

Về nghĩa vụ thuế, theo Điều 1 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, người nộp thuế là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về hình thức kinh doanh nên dù kinh doanh trực tiếp hay kinh doanh qua mạng mà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đều phải kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật, nhưng không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

Các khoản thuế chủ yếu mà người kinh doanh online cần phải nộp bao gồm: Lệ phí môn bài, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Nếu doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, người bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức 0,5%, thuế này được tính theo tháng, có thể kê khai theo tháng hoặc quý nhưng quyết toán theo năm và nộp thuế VAT bằng 1% doanh thu khi đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Trường hợp nếu thuộc đối tượng đóng thuế mà hộ, cá nhân kinh doanh online không đóng thuế hoặc đóng thuế muộn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật theo Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Tại khoản 2, Điều 59, Luật Quản lý thuế năm 2019, mức tính tiền nộp chậm bằng 0,03% ngày tính trên số thuế chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp sẽ được tính liên tục từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp thuế đến ngày liền kề trước ngày người nộp thuế chuyển tiền nộp chậm vào ngân sách nhà nước.

Mời quý vị nghe Luật sư Nguyễn Hồng Bách thông tin về các nghĩa vụ khi kinh doanh online tại đây: