Theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết: "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập mối quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định về kết hôn và đăng ký kết hôn."

Theo Điều 126 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, kết hôn có yếu tố nước ngoài thì việc áp dụng luật được quy định như sau:

- Khi người nước ngoài, người Việt Nam kết hôn với nhau thì mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn.

- Khi kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài phải tuân theo các quy định về điều kiện kết hôn nêu tại Luật Hôn nhân và Gia đình.

- Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng phải đáp ứng các điều kiện kết hôn của Luật này.

Như vậy, khi người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thì phải phải đáp ứng điều kiện kết hôn của cả hai nước. Đồng thời, nếu kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thì người nước ngoài phải đáp ứng điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Trong trường hợp, người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì phải tuân theo quy định pháp luật Việt Nam. Cụ thể hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài phải được thực hiện đầy đủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và khoản 2 mục I Phần II Quyết định 1872/QĐ-BTP ngày 04/9/2020.

Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 2 mục I Phần II Quyết định 1872/QĐ-BTP ngày 04/9/2020:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn

Bước 2: Thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn

Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận kết hôn

Riêng đối với trường hợp thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú thì thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc về UBND cấp xã theo quy định tại Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ - CP.

Luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh, khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.

Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở UBND, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn.

Trường hợp không thể có mặt thì phải có đơn đề nghị, Phòng từ pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Nếu như quá thời hạn này thì phải đăng ký kết hôn lại nếu có yêu cầu.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ phần tư vấn của luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội về thủ tục kết hôn với người nước ngoài: