Sáng nay (24/3), tại Hà Nội, Cục Truyền thông Công an nhân dân (X04) - Bộ Công an tổ chức buổi Tọa đàm, trao đổi về các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc Hội khoá XV là dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân (X04) nhấn mạnh: Việc xây dựng các luật đều dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, quá trình xây dựng luật công phu, khách quan, nhằm bảo đảm thuận tiện nhất cho người dân.
Tại buổi tọa đàm, Đại tá Trần Nguyên Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03) Bộ Công an cũng đã làm rõ sự cần thiết ban hành, quan điểm, định hướng và những nội dung cơ bản của các chính sách trong các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được xây dựng nhằm mục đích:
- Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới;
- Thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội;
- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an nhân dân theo Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất; hoàn thiện cơ sở pháp lý về chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân;
- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; bổ sung số lượng, vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong Công an nhân dân phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.
6 vấn đề cần thiết phải xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
- Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở;
- Kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc;
- Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân;
- Sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
- Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở;
- Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) nhằm mục đích:
- Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: Nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm…
- Phục vụ công dân số: Hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân, cần phải xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: Dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.
- Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có như: Cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu thuế…, bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi.
- Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp: Trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.
Tại Tọa đàm, Đại tá Đại tá Trần Nguyên Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03) Bộ Công an cũng lường trước những khó khăn nếu Luật Căn cước công dân sửa đổi được đưa vào thực tiễn: "Luật Căn cước công dân (sửa đổi) mà Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đều tác động tích cực đến thực hiện cắt giảm giấy tờ cho công dân, tiết kiệm chi phí, thời gian trong quá trình quản lý Nhà nước và thời gian của công dân. Tuy nhiên, các chính sách này sẽ làm thay đổi thói quen, cách thức giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan, thay đổi cách thức cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ của cơ quan, tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp. Công dân có thể phải mất một khoảng thời gian để thích ứng với điều này."
Phát biểu của Đại tá Trần Nguyên Quân - Phó Cục trưởng Cục V03 Bộ Công an: