Sáng nay, sau khi Biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắc Lắc, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật đấu (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu - đoàn Thái Bình cho rằng: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng đấu thầu của dự thảo Luật có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Thêm mới 21 Điều, sửa đổi 75 Điều và bãi bỏ 12 Điều. Đặc biệt, tại khoản 3, Điều 1 bổ sung quy định về các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, vẫn còn những hoạt động khác không có trong khoản 3, Điều 1 nhưng cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật như hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập cho thuê tài sản công hay các dịch vụ phi y tế.

Ban soạn thảo cần nghiên cứu và quy định rõ phạm vi điều chỉnh của các hoạt động phải đấu thầu. Đồng thời, cần có quy định khái niệm vốn nhà nước nhằm bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với các quy định tại pháp luật có liên quan.

Đại biểu Trần Khánh Thu lấy ví dụ, một hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính thêm hệ thống máy chụp cộng hưởng từ có trong định mức nằm trong định mức tiêu chuẩn của đơn vị công lập tự chủ thì có được tính là mua sắm thường xuyên hay không? Nếu có thì rất nhiều gói mua sắm trang thiết bị y tế đều thực hiện theo hình thức lựa chọn trong trường hợp đặc biệt. Với nội dung như thế thì quá rộng và chưa phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trí Thức - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến việc đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Theo đại biểu, tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nói về đấu thầu thuốc, như vậy là chưa đủ. Đại biểu mong muốn Ban soạn thảo bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế ,bởi lĩnh vực đấu thấu y tế có tính chuyên sâu rất cao. Bên cạnh đó, dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như là hàng hóa thông thường, đại biểu cho rằng cần phải xem vật tư y tế hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Tại Khoản 5, Điều 39 có quy định: Khi đấu thầu được phép mua, được chọn xuất xứ để có những thiết bị y tế hiện đại để phục vụ người bệnh, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên sửa lại là cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt hoặc bệnh viện tuyến cuối được phép lựa chọn thương hiệu để mua sắm thuốc hoặc trang thiết bị y tế. Có như vậy thì người nghèo và bệnh viện công mới được tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại và các thiết bị tiên tiến nhất.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng đề nghị nên quy định trường hợp cấp bách trong y tế, vì hiện giờ chỉ có quy định là cấp cứu, còn chưa quy định trường hợp cấp bách bởi khi không có đơn vị nào dự thầu hoặc là không trúng thầu thì không có thuốc hoặc trang thiết bị để điều trị cho người bệnh. Trường hợp cấp bách này thì xử lý như thế nào, tổ chức nào được phép xác định trường hợp cấp bách? Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nên có quy định về việc cho phép lãnh đạo bệnh viện có quyền xác định trường hợp cấp bách, để tránh tiêu cực và kịp thời đáp ứng thuốc cho người bệnh.

Đánh giá cao dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã làm rõ nhiều điểm vướng mắc cũng như lược bỏ những khâu không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục đấu thầu, đại biểu Hoàng Văn Cường – đoàn Hà Nội rất đồng tình với việc sửa đổi tại Điều 41 quy định: Trong trường hợp cần thiết có thể đưa xuất xứ hàng hóa từ một số quốc gia hoặc một số vùng lãnh thổ để đảm bảo mua được hàng hóa có chất lượng cao, tránh tình trạng đưa tiêu chí kỹ thuật chung chung, dẫn đến hàng của các nước trong khu vực cùng tiêu chí kỹ thuật, giá rẻ nhưng chất lượng không tốt. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng như một số đại biểu nêu trong ngành y tế không mua được thuốc tốt, với giá rẻ.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, hạn chế lớn nhất trong đấu thầu trong thời gian vừa qua là số lượng tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng. Điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao, nguyên nhân có thể thông tin được "cài cắm" trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia. Chính vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị: Để hạn chế việc cài cắm, thông tin cần quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu.

Về đấu thầu mua sắm tập trung, đại biểu cho rằng đấu thầu tập trung là nhằm mục tiêu nhằm tạo điều kiện cho đơn vị mua sắm số lượng nhỏ, có một số hàng hóa rất đặc thù, không thể mua sắm được hoặc nhiều đơn vị cùng mua sắm một loại hàng hóa tập trung sẽ ưu việt hơn, giá rẻ hơn, chọn nhà cung cấp tốt hơn.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi). Bộ trưởng chia sẻ: Đấu thầu là một lĩnh vực phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo, có nhiều luồng ý kiến đặt vấn đề: Nên nới lỏng hay siết chặt quy định để bảo đảm quản lý Nhà nước? Tuy nhiên, Ban soạn thảo đã nhất trí, sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện những điểm còn bất cập, nhưng không có nghĩa "mở toang" mà phải hài hòa, tạo thuận lợi cho người đấu thầu nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực tham nhũng. “Chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện các mua sắm các gói thầu” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự thảo Luật cũng đã đưa ra rất bổ sung, quy định rất nhiều các quy định để tránh hiện tượng này. Theo đó, đã bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm tiêu chí; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch; yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm có cả các chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình và được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của các hàng hóa cung cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ và tán thành với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cần có quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung này.

Tuy nhiên, trước ý kiến đề xuất có chương riêng về đầu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần phải cân nhắc thêm. Bởi vì không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt kể cả trong giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh…

Về vấn đề đơn giản hóa các thủ tục cắt giảm thời gian chi phí trong đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; đồng thời cắt bỏ, loại bỏ các thủ tục ở cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội bàn và cho ý kiến tại kỳ họp tới, dự kiến được ban hành và thông qua vào tháng 5 năm 2023.