Đại biểu Trần Hoàng Ngân – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung tại Chương 6 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhưng chỉ có 3 Điều thì chưa làm rõ được nội dung giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật. Do đó, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm nội dung và làm rõ hơn vai trò của cơ quan tham gia trong việc kiểm tra, hậu kiểm, giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật cũng như việc xử phạt khi vi phạm các điều khoản của luật này.

“Khi giá xăng dầu tăng lên thì nhiều mặt hàng khác tăng theo, tăng rất nhanh và có khi tăng thiếu căn cứ nhưng không có công cụ để kiểm tra. Khi giá xăng dầu giảm, các mặt đó không hạ giá và không có điều kiện để kiểm tra. Từ đó tạo ra mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho người dân, người tiêu dùng, người có thu nhập thấp. Đặc biệt, hiện nay người dân quan tâm đến giá dịch vụ y tế, do đó đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét kéo dài thời gian áp dụng khoản 3 trong Nghị quyết số 30 của Quốc hội”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu.

Cũng quan tâm đến vấn đề xăng dầu, đại biểu Đinh Thị Phương Lan – đoàn Quảng Ngãi cho rằng: Cần quy định chi tiết nguyên tắc bình ổn giá với một số hàng hóa như xăng dầu, thuốc. Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần tiếp tục quy định rõ hơn các tiêu chí để xác định khi nào giá tăng quá cao hoặc quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh mặt bằng giá thị trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn thành phố Hà Nội nhìn nhận: Thực tế, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến công tác xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc là khi bán tài sản công. Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công chỉ mua hoặc khi bán.

Mặt khác, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình như là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để cho các nhà đầu tư đầu tư phát triển.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nguyên nhân căn bản là do chưa có những quy định chặt chẽ về phương pháp để xác định giá cả hàng hóa cũng như chưa có quy định cụ thể làm căn cứ cho cơ quan thẩm định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Đại biểu cũng chỉ rõ pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá. “Yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá... Dự thảo Luật cần phải đưa có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá” – Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.

Quan tâm đến hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – đoàn Đà Nẵng khẳng định, phân cấp phân quyền là chủ trương đúng, nguyên tắc cần áp dụng trong quá trình thực hiện là cấp trên chỉ làm những việc cấp dưới không làm được tốt hơn. Tuy nhiên, khi phân cấp luôn phải đi đôi với việc nâng cao năng lực để thực hiện. nếu “xuống nước trước, tập bơi sau” là việc làm rất nguy hiểm. Mặt khác, đại biểu lo ngại: “Để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc liệu có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp Bộ kit test Việt Á? Bởi nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật. Những thách thức qua phân cấp, phân quyền đặt ra trong dự thảo luật này là rất lớn, Quốc hội cân nhắc thận trọng”.

Bên cạnh đó, một số đại biểu còn yêu cầu đưa sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật này. Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ và tại Hội trường, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét.

Về mối quan hệ của Luật Giá (sửa đổi) và các luật khác, Bộ trưởng cho biết, hiện có 21 luật có quy định về giá. Để khắc phục những chồng chéo giữa các luật chuyên ngành, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá; Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá; quy định thống nhất Danh mục hàng hóa. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng đặc thù, chuyên ngành thì quy định rõ những vấn đề về nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.

Về hiệp thương giá, dự án Luật lần này không xác định phạm vi và chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp hiệp thương giá với nhau, cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò là trọng tài…

Đối với ý kiến đại biểu đề nghị đưa sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, Bộ trưởng cho biết, ý kiến này có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban tài chính ngân sách trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để có quy định phù hợp.

Về vấn đề kê khai giá, Bộ trưởng cho rằng, giữa rất nhiều loại giá với những vai trò khác nhau, cần tập trung vào một số giá cụ thể để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh với nguồn lực hữu hạn. Bộ trưởng nhấn mạnh, kê khai giá là nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có thay đổi, đảm bảo không biến động giá đột ngột. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu và quy định chi tiết hơn nữa về nội dung này.

Ngoài ra, đối với nhiều nội dung khác của Dự án Luật, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến các đối tượng tác động; tham vấn ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật này trình Quốc hội xem xét.

Trước đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Đồng thời, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.