Hôm nay, 18/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết, Luật Hộ tịch số 60/2014 đánh dấu việc hoàn thiện một cách đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch. 04 Nghị định, 01 Thông tư liên tịch và 04 Thông tư đã được ban hành và có hiệu lực cùng với ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, kết quả nổi bật sau 6 năm thi hành Luật Hộ tịch là củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.

Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung áp dụng thống nhất trên toàn quốc cũng đã được triển khai xây dựng; bước đầu hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thực hiện kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh;đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hộ tịch cả về trình tự, thủ tục, phương thức đăng ký hộ tịch...

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, thúc đẩy đăng ký hộ tịch trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình thực hiện trực tuyến tất cả các dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch.

Tính đến ngày 12/12/2022, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có tổng số hơn 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, gồm trên 36,3 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trên 4,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp Thẻ bảo hiểm y tế; trên 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 6 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và trên 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Luật Hộ tịch năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật Hộ tịch gồm 77 điều, 07 chương, quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; Cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Kể từ khi Luật ra đời, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được ban hành, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ về đăng ký hộ tịch. Chính phủ cũng bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nhân lực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.