Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết ý nghĩa của việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp:
Hiện tại, Nhà nước đang áp dụng việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, trừ trường hợp đất được giao nhưng người sử dụng không trực tiếp sản xuất mà cho thuê lại theo các Nghị quyết số 55/2010/QH12, 28/2016/QH14 và 107/2020/QH14 của Quốc hội, áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Mới đây, trong buổi trao đổi với báo chí chung quanh việc đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và phát triển bền vững. Vì vậy, Bộ Tài chính đang đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế đất nông nghiệp đến hết năm 2030. Chính sách này không chỉ là một công cụ hỗ trợ trực tiếp cho người dân mà còn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm ở nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo tính toán, việc kéo dài miễn thuế đến năm 2030 sẽ khiến ngân sách nhà nước không thu khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Hưng khẳng định đây không phải là "hụt thu” mới, vì chính sách miễn thuế đã và đang được thực hiện ổn định nhiều năm nay. Thay vì giảm thu, đây là việc tiếp tục duy trì mức thu hiện tại - tức gần như không thu từ loại thuế này.
Ông Hưng dẫn chứng: "Trong năm 2022 và 2023, số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 0,0057% tổng thu ngân sách nhà nước. Đây là con số rất nhỏ, chỉ đủ để bù một phần chi phí quản lý thuế”.
Do đó, việc tiếp tục chính sách này không ảnh hưởng lớn đến cân đối thu chi ngân sách quốc gia. Ngược lại, chính sách đang tạo ra hiệu quả tích cực, được hầu hết các địa phương đánh giá cao vì giúp thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Liên quan đến một số ý kiến lo ngại việc miễn thuế đại trà có thể dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang nhưng vẫn được hưởng ưu đãi, ông Hưng cho biết đề xuất của Bộ Tài chính không mở rộng thêm đối tượng được miễn thuế, mà chỉ kéo dài thời hạn áp dụng. Đồng thời, các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích hoặc bỏ hoang đã có chế tài xử lý.
Cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định rất rõ tại khoản 7 Điều 81: Nếu đất trồng cây hằng năm hoặc nuôi trồng thủy sản không được sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng, đất trồng cây lâu năm không sử dụng trong 18 tháng, hoặc đất trồng rừng không sử dụng trong 24 tháng, thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và bị thu hồi. Điều 103 của Luật cũng nêu rõ: đất bị thu hồi vì bỏ hoang sẽ không được bồi thường.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào cho người dân mà còn góp phần định hướng sử dụng đất hiệu quả, thúc đẩy sản xuất lớn, công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
Dự kiến, nếu Quốc hội thông qua, chính sách này sẽ tiếp tục được thực hiện ổn định từ năm 2026 đến hết năm 2030.
Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng quy định đất thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất dùng vào sản xuất nông nghiệp, gồm: Đất trồng trọt; Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; Đất rừng trồng.
Định suất thuế một năm tính bằng kilôgam thóc trên 1 ha của từng hạng đất.