Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Khi 1 người có hành vi đánh bạc trái phép là đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, có thể xử lý hành chính. Nếu nghiêm trọng hơn, có dấu hiệu của tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng, các đối tượng có hành vi đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy hành vi. Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi đánh bạc trái phép.
Còn nếu hành vi đánh bạc trái phép có tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, có dấu hiệu của tội phạm thì bị xem xét xử lý theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Điều 321. Tội đánh bạc
- Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc;
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trong trường hợp người trực tiếp đến ghi đề với chủ đề nhưng ghi nợ chưa trả tiền (hai bên chấp nhận và thỏa thuận sẽ trả tiền sau), sau khi có kết quả mở thưởng thì người chơi đề mới đến tính toán thắng thua với chủ đề, cũng chưa giao nhận tiền thì bị công an phát hiện, luật sư Nguyễn Văn Hưng khẳng định đây là hành vi đánh bạc trái phép và là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi xử lý hành vi này cần thận trọng để đánh giá. Nếu người chơi số lô, số đề mà số tiền dưới 5 triệu, kết quả được thua cũng thấp hơn 5 triệu thì hành vi chưa đến mức xử lý hình sự. Tuy nhiên nếu người chơi lô đề xác định số tiền của mình từ 5 triệu đồng trở lên thì hành vi đó đã cấu thành tội phạm Điều 321 Bộ luật Hình sự. Việc chưa thanh toán số tiền không phải căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự.
Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ phần trao đổi của luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng với phóng viên VOV2: