Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, sau 5 năm Nghị định 100/2019 có hiệu lực, quy định mới đã có nhiều thay đổi lớn và bổ sung nhiều nội dung nhằm quản lý, nâng cao ý thức của người lái xe. Tuy nhiên, về tổng thể tình hình còn nhiều vấn đề đặt ra như hạ tầng phát triển chưa tương ứng với nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô tô cùng khoảng 2 triệu xe máy...

Đáng chú ý, ý thức một số người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn phổ biến. Điển hình là một số hành vi có tính cố ý, liên quan tới ý thức chấp hành của tài xế, đồng thời các vi phạm có tính chất nguy hiểm trên đường cao tốc vẫn còn xảy ra. Hơn nữa, thực tế cũng chỉ ra rằng, chỗ nào không có chốt kiểm tra giao thông thì chỗ đó tình trạng vi phạm xảy ra nhiều.

Chính vì vậy, Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 được xem là bước đột phá.

Nghị định 168 chia ra 3 nhóm hành vi tăng nặng mức tiền xử phạt: Nhóm thứ nhất là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số, cản trở người thực thi công vụ... Nhóm thứ hai là cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... Nhóm thứ ba là nhóm hành vi nguy cơ rất cao gây ra tai nạn giao thông như: đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc...

Theo đó, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước như: Vận chuyển hàng hóa là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị kỹ thuật, hàng dạng trụ không chằng buộc hoặc chằng buộc không theo quy định, theo quy định hiện hành sẽ bị phạt từ 600.000 tới 800.000 đồng, tăng lên 18 tới 22 triệu đồng (tăng từ 27 tới 30 lần). Hay hành vi chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho người đi bộ, xe lăn tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ theo mức cũ bị phạt từ 300.000 tới 400.000 đồng, còn quy định mới sẽ bị phạt từ 4 tới 6 triệu đồng (tăng gấp 13 tới 15 lần)....

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, việc nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm không chỉ nhắm vào việc xử phạt người dân mà cốt lõi là để tạo ra sự răn đe từ sớm, từ đó giúp thay đổi suy nghĩ, ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân. Nhờ đó, giúp ngăn ngừa, giảm thiểu và hạn chế tai nạn giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV2, đa phần người dân đều rất đồng tình, ủng hộ việc Chính phủ ban hành Nghị định 168. Mức phạt trong nghị định mới này thể hiện sự răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh đối với những ai vi phạm các lỗi dễ dẫn đến tai nạn giao thông, gây hậu quả xấu đối với xã hội như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều trên cao tốc, chở hàng hóa cồng kềnh không đảm bảo quy định, mở cửa xe hoặc để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe bằng chân, chạy quá tốc độ đuổi nhau, vi phạm nồng độ cồn...

Các ý kiến cũng phân tích rằng các hành vi tăng mức xử phạt đều là những lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng, còn nhiều người vi phạm và mức xử phạt hiện hành có thể chưa đủ sức răn đe. Việc nâng hay bổ sung mức xử phạt hành chính mới cao để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, phòng ngừa hậu quả xấu. Có phạt cao mới tạo ra ý thức chấp hành, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng văn hóa giao thông.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tăng mức xử phạt sẽ dẫn đến việc một số người chấp nhận bỏ lại phương tiện, chỉ vì giá trị của phương tiện đôi khi còn không bằng mức tiền phạt. Điều này vô hình chung lại tăng áp lực cho cơ quan chức năng khi mà nhiều bãi giữ xe vi phạm luôn trong tình trạng quá tải như hiện nay. Hơn nữa, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng nên có những đánh giá, phân hóa cụ thể giữa vô ý hay cố ý để có cách xử lý sao cho chính xác, công bằng, nhân văn hơn thay vì áp dụng mức phạt một cách rập khuôn, máy móc, cứng nhắc.

Cùng với đó, cũng cần phải tăng cường giám sát lực lượng chức năng trong khi thực thi công vụ. Đặc biệt phải tránh tình trạng tiêu cực, như việc ăn chia với người vi phạm để tránh lập biên bản, nộp phạt. Thay vì nộp phạt 30 triệu đồng thì tài xế vi phạm đưa 10 - 15 triệu đồng cho người thực thi để được bỏ qua.

Theo Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, cần kết hợp hài hòa giữa giáo dục, tuyên truyền và xử phạt. Bởi, nếu chỉ xử phạt nghiêm thì hiệu quả không bên vững, còn giáo dục nhưng thiếu phạt nghiêm minh thì thiếu tính răn đe. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục không chỉ tới các cá nhân mà còn ở các doanh nghiệp, nhà xe, bến xe để mỗi người nâng cao ý thức chấp hành, tránh vi phạm để bị xử phạt với các mức phạt cao này.

Có thể nói, Nghị định 168 của Chính phủ là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để Nghị định thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành luật lệ giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia: