Thời gian qua, bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm, tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài nhà nước.

Đặc biệt, các sai phạm lớn tập trung trong các lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, có những vụ việc có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi khiến cử tri và nhân dân cả nước bức xúc.

Các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 732 vụ án, với 2.106 bị can; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can.

Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành có 4.879 việc với số tiền hơn 97.261 tỷ đồng, đã thi hành xong 2.264 việc đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự, 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng, đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.

Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều cái kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, quốc tế ghi nhận.

“Qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử”, đại biểu Bố Thị Xuân Linh nói.

Nguyên nhân được chỉ ra là do quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa có nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Đặc biệt, vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.

“Mặc dù là chúng ta đã có các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra và ngày một nghiêm trọng hơn. Cái yếu kém nhất hiện nay đó là việc tự phát hiện, tự xử lý ngay ở cơ sở, ngay ở đơn vị. Hầu như các cuộc phát hiện ra và xử lý đều là do các cơ quan là tiến hành tố tụng, qua khiếu nại, tố cáo…”, đại biểu Nguyễn Công Long, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu thực tế.

Hơn nữa, công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế, thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Chính vì vậy, công tác phòng chống tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt, tác dụng răn đe, phòng ngừa, giáo dục sau thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng còn có những hạn chế.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu một số cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực chưa cao. Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo đại biểu Lê Văn Dũng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, xác định tham nhũng, tiêu cực là một vấn nạn của xã hội, thời gian qua, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo rất quyết liệt cho nhiệm vụ này. “Chỉ khi những cái vụ án tham nhũng, tiêu cực được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mới có thể đem lại niềm tin cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân”, đại biểu Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm tới, cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.

Trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: người chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh, còn với những người mà vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, điểm mấu chốt cần được đặt lên hàng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay.

Có thể nói, phòng chống tham nhũng tiêu cực là việc làm cần thiết và đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.