Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an đồng bộ khoảng 35 triệu bản ghi giấy phép lái xe, trong đó đã xác thực thành công 31,3 triệu bản ghi giấy phép lái xe với dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm hệ thống định danh tự động tra cứu để hiển thị lên ứng dụng VNeID cho công dân; tiếp tục phối hợp với ngành công an đối soát 3,6 triệu giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, còn khoảng hơn 20 triệu bản ghi giấy phép lái xe bằng vật liệu giấy bìa được cấp ra từ trước năm 1995 đến tháng 7/2013, hầu hết là giấy phép lái xe mô tô, có giá trị không thời hạn; các giấy phép lái xe này có dữ liệu chưa đầy đủ, thiếu thông tin.

Từ đầu tháng 10, tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng người dân đến làm thủ tục cấp đổi GPLX mô tô các hạng từ vật liệu bìa sang vật liệu PET tăng đột biến. Nguyên nhân do người dân nghe thông tin đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông yêu cầu bắt buộc người có giấy phép lái xe mô tô, ô tô bằng vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi GPLX sang thẻ PET, từ đó lo ngại thời gian tới nhu cầu đổi sẽ tăng cao gây khó khăn nên đã tranh thủ làm sớm. Thống kê cho thấy, chỉ riêng tại Hà Nội, trong 2 tuần vừa qua số lượng người dân đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX trung bình khoảng 700 người/ngày, tăng khoảng 50% so với các tháng trước, dẫn đến tình trạng quá tải tại các địa điểm tiếp nhận hồ sơ.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam, hiện không có quy định nào yêu cầu bắt buộc người dân đổi GPLX. Những giấy phép lái xe cũ vẫn còn giá trị sử dụng, cơ quan chức năng chỉ khuyến khích đổi.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tại mỗi địa điểm, Sở GTVT đã bố trí thêm máy móc, trang thiết bị để mở thêm 1 cửa, bố trí 1 cán bộ tăng cường tại mỗi địa điểm để tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX; trường hợp số lượng, nhu cầu giải quyết trong ngày vượt quá năng lực phục vụ, cán bộ Sở sẽ hướng dẫn công dân lấy vé đặt lịch hẹn giải quyết, công dân đã đăng ký lịch hẹn đến đúng thời gian hẹn sẽ được giải quyết luôn, không phải xếp hàng, chờ đợi.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết: việc đổi GPLX được thực hiện dưới hai hình thức: Trực tiếp và online. Người dân có thể thực hiện việc đổi GPLX bằng hình thức online qua cổng dịch vụ công quốc gia để tránh phải xếp hàng chờ đợi, mất thời gian.

Trong trường hợp đổi trực tiếp, các thủ tục đổi GPLX chỉ diễn ra từ 1 - 2 phút gồm kiểm tra hồ sơ và chụp ảnh chân dung. Hồ sơ cần thiết để người dân đổi lại gồm GPLX cũ, giấy khám sức khỏe, căn cước công dân.

Nếu đổi online qua cổng dịch vụ công quốc gia, người dân thực hiện theo các bước:

Bước 1: Người dân cần chuẩn bị hồ sơ gồm bản chụp giấy phép lái xe, bản chụp căn cước công dân hoặc hộ chiếu, giấy khám sức khoẻ điện tử hoặc đã được chứng thực điện tử (định dạng pdf hoặc doc); ảnh chân dung (định dạng jpg).

Bước 2: Truy cập tại website: https://dichvucong.gov.vn đăng ký hoặc đăng nhập tài khoản theo hướng dẫn. Nhập tìm kiếm “Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp”.

Bước 3: Chọn và điền thông tin cần khai báo, upload ảnh và file căn cước công dân, GPLX.

Mời quý vị nghe nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Văn Thanh - Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam tại đây: