Trong cuộc sống hàng ngày, để giải quyết những khó khăn tạm thời về kinh tế, nhiều người phải tìm đến bạn bè, người thân, dịch vụ ngân hàng hoặc các công ty tài chính để vay mượn tiền. Theo đó, người vay tiền phải có nghĩa vụ trả số tiền vay, lãi suất (nếu có) và kể cả lãi chậm trả (nếu có) cho bên cho vay tiền theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, có không ít trường hợp, khoản nợ chưa được thanh toán thì người vay tiền vì một nguyên nhân nào đó không may qua đời. Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, lúc này số tiền nợ được xử lý như sau:

Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

+ Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

+ Trường hợp di sản đã di sản đã đươc chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản so người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phài thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Như vậy, kể cả trong trường hợp người vay tiền không may qua đời thì những người hưởng thừa kế của người vay tiền có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người chết trong phạm vi di sản mà người chết để lại và của mình được nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên cũng có một số trường hợp vì những người nhân thừa kế biết về khoản vay của người chết và không muốn trả khoản vay tiền này bằng cách từ chối nhận di sản. Trong trường hợp này, tại khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau: "Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác."

Quy định này nhằm tránh tình trạng trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (hay trong trường hợp này là trốn tránh nghĩa vụ trả tiền vay)

Căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên thì người vay tiền chết thì những người thừa kế di sản của người vay tiền sẽ có nghĩa vụ trả nợ khoản vay này theo phần di sản, quyền của mình theo các quy định của pháp luật.

Trường hợp người thừa kế cố ý không trả, bên cho vay có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Bị đơn có thể bao gồm tất cả những người thừa kế trong trường hợp người chết không có lập di chúc, còn trường hợp người chết có lập di chúc cho một hoặc một số cá nhân nào đó để hưởng di sản thì những người hưởng thừa kế theo di chúc sẽ là bị đơn trong vụ án.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết thêm, nghĩa vụ trả nợ sẽ chỉ được chấm dứt khi thuộc vào một trong các trường hợp căn cứ tại Điều 372 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:

- Thứ nhất, trường hợp bên vay đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ đối với bên cho vay.

- Thứ hai, trường hợp các bên có thỏa thuận đồng ý chấm dứt nghĩa vụ trả nợ cho bên vay.

- Thứ ba, trường hợp người cho vay quyết định miễn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với người vay tiền.

- Thứ tư, trường hợp các bên thỏa thuận thay thế nghĩa vụ trả nợ bằng một nghĩa vụ khác.

- Thứ năm, trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ trả nợ đối với nhau thì khi cùng đến hạn, họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối vói nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt.

Mời nghe cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội: