Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giải quyết vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hưng vẫn thông tin gian dối để nhận 800.000 USD (tương đương 18,8 tỷ đồng) từ Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky - một trong những công ty tổ chức chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về Việt Nam trong dịch Covid-19. Cầm tiền, bị cáo Hưng hứa “chạy án” và giúp Tổng giám đốc Công ty Bluesky không bị xử lý hình sự, nhưng cả Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc công ty này vẫn bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trong phiên phúc thẩm ngày 25/12/2023, Hoàng Văn Hưng cho biết sau phiên sơ thẩm đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Tuy nhiên, đến ngày 28/11, bị cáo suy nghĩ lại và quyết định thay đổi toàn bộ nội dung kháng cáo, đồng thời tôn trọng mọi phán quyết của tòa án. Trước phiên tòa phúc thẩm vụ chuyến bay giải cứu, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng đã nộp lại 18,8 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng sự việc như của bị cáo Hoàng Văn Hưng không phải là hiếm. Có rất nhiều bị cáo giai đoạn sơ thẩm kêu oan nhưng giai đoạn phúc thẩm lại thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả để có tình tiết xin giảm nhẹ một phần hình phạt: “Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, người kháng cáo được thay đổi nội dung kháng cáo, được rút kháng cáo. Hoàng Văn Hưng thay đổi nội dung kháng cáo từ kháng cáo kêu oan sang xin giảm nhẹ tội, đồng nghĩa với việc thừa nhận bản án sơ thẩm nhận định Hưng phạm tội lừa đảo là có căn cứ pháp luật”.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội nhận định: “Trong trường hợp, người phạm tội nộp lại số tiền, tự nguyện sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm thì sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.”
Luật sư Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cũng cho rằng bên cạnh việc tự nguyện nộp lại số tiền 800.000 USD do phạm tội mà có (tương đương 18,8 tỷ đồng), việc bị cáo Hưng thành khẩn khai báo, thừa nhận sự việc phạm tội, đồng thời những huân, huy chương bị cáo nhận được trong quá trình công tác trong ngành công an cũng là tình tiết giảm nhẹ có thể được áp dụng.
Căn cứ Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế) và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017, các trường hợp nộp tiền khắc phục hậu quả được xem xét giảm án như sau:
- Người phạm tội phải tự nguyện khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Điều này có nghĩa, nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải khắc phục hậu quả, người phạm tội mới thực hiện theo thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng.
- Về thời điểm khắc phục hậu quả: Việc tự nguyện khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.
- Về mức độ khắc phục hậu quả: Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về mức khắc phục hậu quả để được giảm án, tuy nhiên thực tế cho thấy mức khắc phục hậu quả thường phải tương xứng với thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra.
Trường hợp vụ án có đồng phạm sẽ được phân hóa trách nhiệm hình sự, do đó mức khắc phục hậu quả cũng sẽ tương xứng với vai trò của bị cáo trong vụ án.
Riêng với trường hợp bị kết án tử hình về Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354), tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ điều kiện để giảm án, không bị thi hành hình phạt tử hình là người bị kết án phải chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.