Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Ngày 03/4/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 -2030” (giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn). Ngày 05/01/2024, Chính phủ thông qua nghị quyết số 01/NQ-CP, theo đó chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án, năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ. Đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân hiện nay.
Ngày 27/11/2023, Luật nhà ở 2023 đã được Quốc hội thông qua và để sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, Quốc hội đã cho phép Luật Nhà ở có hiệu lực sớm từ ngày 01/8/2024 (sớm hớn hiệu lực ban đầu 05 tháng). Theo đó, Luật Nhà ở 2023 đã có một số điểm mới về chính sách nhà ở xã hội, cụ thể như sau:
(1) Sửa đổi, bổ sung nhiều ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội như: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất ở (hoặc 20% tổng diện tích sàn xây dựng của dự án) để xây dựng công trình, kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại và không phải hạch toán vào giá bán nhà ở xã hội.
(2) Quy định cụ thể về điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng cải cách thủ tục hành chính nhiều hơn, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp thuận lợi hơn khi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, Luật bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập; đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng.
(3) Bổ sung 02 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì đối tượng công nhân, người lao động tại khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đối tượng là lực lượng vũ trang nhân dân được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý phát triển nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 01/8/2024 Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành, với các chính sách ưu đãi, cải cách các thủ tục hành chính sẽ có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và người dân sẽ dễ dàng trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đã tập trung hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trình Chính phủ xem xét thông qua đồng thời hiệu lực với Luật nhà ở 2023.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó:
- Số lượng dự án hoàn thành: 75 dự án với quy mô 39.884 căn;
- Số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 128 dự án với quy mô 115.379 căn;
- Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như:
(1) Luật Nhà ở 2023 đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như nếu trên. Tuy nhiên, đến nay 2 luật này chưa có hiệu lực thi hành.
(2) Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội còn thấp so với mục tiêu của Đề án.
Đồng thời chưa xác định rõ nhu cầu vể nhà ở xã hội trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà làm cơ sở quy hoạch bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
(3) Một số dự án nhà ở xã hội chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bố trí ở khu vực xa trung tâm đô thị, khu công nghiệp nên không thu hút được người mua nhà.
(4) Nguồn vốn 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả do:
- Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn; còn ít ngân hàng tham gia cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, hiện nay ngoài 04 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì mới chỉ có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank), VPBank. MB Bank, Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.. (hiện nay mới giải ngân được hợn 1.200 tỷ).
- Về điều kiện tín dụng: Một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay như: không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…
- Về lãi suất và thời gian hạn hưởng lãi suất: Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 02 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và Thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý phát triển nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng: