Hiện nay, cá nhân khi kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc diện điều chỉnh của pháp luật về thuế đối với cá nhân kinh doanh. Pháp luật thuế không phân biệt cá nhân kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành thuế luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (http://gdt.gov.vn) cũng đã có chuyên mục riêng hỗ trợ các cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai và nộp thuế điện tử.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử trong đó bao gồm cả kinh doanh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng về nghĩa vụ tài chính của mọi cá nhân, tổ chức kinh doanh dù theo phương thức truyền thống hay là phương thức điện tử, hiện nay cơ quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ.
Thứ nhất, tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, đặc biệt trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động thương mại điện tử có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Thứ ba, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ, khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Thứ tư, tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, trên cơ sở đó thực hiện khai thác, xử lý thông tin đề rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.
Thứ năm, xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, the đó, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh bảo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử; doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán.
Thứ bẩy, phối hợp với bộ ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18.
Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ cho cơ quan thuế, hiện dang có 929 website thương mại điện tử, 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình; 163,3 triệu tài khoản thanh toán bao gồm 12,3 triệu tài khoản của tổ chức và trên 151 triệu tài khoản của cá nhân tại 96 Ngân hàng thương mại.
Mời quý vị nghe toàn bộ trao đổi của phóng viên VOV2 với bà Nguyễn Thị Lan Anh tại đây: