Chính sách Bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức, thực hiện, hoạt động vì mục đích an sinh xã hội, không vì lợi nhuận nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động, bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng các quyền lợi an sinh.

Hiện nay, bảo hiểm xã hội gồm có hai loại là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Hai loại bảo hiểm xã hội này có sự khác biệt về quyền lợi, cụ thể: Tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm có các chế độ như: Ốm đau, Thai sản, Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Hưu trí và Tử tuất. Còn theo khoản 2 Điều này, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Ngoài ra, đối với những đối tượng đặc biệt như: người lao động công tác trong lực lượng vũ trang khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc họ chỉ được hưởng ba chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc họ chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất.

Có thể thấy, dù là hình thức nào thì khi tham gia bảo hiểm xã hội người lao động được hưởng nhiều quyền lợi khác nhau. Thế nhưng, thời gian qua, vì nhiều lý do mà nhiều người lao động quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần, song cơ bản vẫn là do đời sống khó khăn.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho rằng, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là giải pháp cấp bách cho người lao động trong trường hợp họ đang cần tiền gấp. Và khi lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động không được hưởng các phúc lợi về hưởng lương hưu như: nhận lương hưu hằng tháng, trợ cấp mai táng, trợ cấp tử tuất, được bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh…

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm a, điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì điều kiện để được hưởng bảo hiểm xã hội một lần là:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.

- Ra nước ngoài để định cư.

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

- Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Đối với mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 19, 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau: mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, mỗi năm tính như sau:

• 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

• 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

• Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng 22% các mức tiền lương tháng đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Riêng người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 1 - 6 tháng tính nửa năm; từ 7 - 11 tháng thì tính là 1 năm. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội trừ trường hợp bị bệnh hiểm nghèo.

Mời nghe bài viết tại đây: