Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo hiểm Tiền gửi. Vậy những tổ chức nào phải tham gia BHTG? Người được hưởng BHTG gồm những đối tượng nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật ALadin để cung cấp thông tin tới thính giả:

PV: Thưa luật sư Đinh Thị Chúc, hiện nay nhiều người còn chưa biết đối tượng được BHTG gồm những ai? Người được BHTG có quyền lợi hợp pháp như thế nào? Luật sư có thể giải thích cho thính giả của Đài TNVN được rõ:

- Luật sư: Theo khoản 2 Điều 4 của Luật Bảo hiểm tiền gửi thì người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đó là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, ký phiếu hoặc tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng.

Điều 11, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, người được BHTG có quyền:

“- Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật này; Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này; Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật.”

2. PV: Vâng, vậy tất cả các Ngân hàng đều phải tham gia BHTG, hay chỉ một số Ngân hàng nào đó, thưa Luật sư?

Luật sư: Theo Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi và Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ:

- Tổ chức tham gia BHTG là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

- Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.

- Ngân hàng chính sách không phải tham gia BHTG.

Như vậy, các tổ chức phải tham gia BHTG gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam.

3. PV: Cơ quan chức năng nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về BHTG và trách nhiệm cụ thể được quy định như thế nào? Luật sư có thể trả lời để thính giả yên tâm

Luật sư: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BHTG.

Theo Điều 9 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về BHTG của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:

Trách nhiệm quản lý nhà nước về BHTG của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về BHTG.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển BHTG.

3. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHTG.

4. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tham gia tổ chức quốc tế về bảo hiểm tiền gửi của tổ chức BHTG.

5. Ký kết thỏa thuận quốc tế hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về BHTG.

Như vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước về BHTG của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quy định như trên.

4. PV: Ở nước ta hiện nay có những tổ chức nào tham gia chính sách BHTG?

Luật sư: Ở Việt Nam hiện nay, có duy nhất 01 tổ chức BHTG là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Với hệ thống các tổ chức tín dụng, hoạt động của tổ chức BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Với nền kinh tế, hoạt động của tổ chức BHTG góp phần duy trì sự ổn định về chính trị, an ninh và trật tự xã hội, tiền đề cho ổn định và phát triển kinh tế.

5. PV: Thưa Luật sư, vậy làm thế nào để nhận biết một tổ chức tín dụng đã tham gia BHTG?

Luật sư: Điều 15, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi.

Trong đó, bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là bản sao do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp từ sổ gốc.

Như vậy, người gửi tiền có thể nhận biết tổ chức tín dụng đã tham gia BHTG qua việc quan sát điểm giao dịch của tổ chức tín dụng có treo bản sao Chứng nhận tham gia BHTG hay không.

Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG có đầy đủ thông tin của Chứng nhận tham gia BHTG, gồm: Tên tổ chức BHTG; tên tổ chức tham gia BHTG; nội dung khác theo quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Ngoài ra, người gửi tiền có thể truy cập website của tổ chức BHTG (www.div.gov.vn) để biết rõ hơn các thông tin về tổ chức tham gia BHTG.

Xin cảm ơn luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật ALadin

Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên với luật sư dưới đây: