Năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, làm 7.923 người bị nạn, 754 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản năm 2022 ước tính là trên 14.100 tỷ đồng và hơn 143.000 ngày công. So với năm 2021, số vụ tai nạn lao động năm 2022 tăng 1.214 vụ.
Bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải: "Năm 2022 là năm triển khai thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19, người lao động trở lại làm việc, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh các dự án đầu tư, đầu tư công, sản xuất kinh doanh với cường độ lớn để khắc phục hậu quả do COVID-19 gây ra, nên công tác an toàn vệ sinh lao động ở một số nơi, một số chỗ ít được quan tâm nhất là trong việc đầu tư cải thiện điều kiện lao động, huấn luyện, huấn luyện lại cho người lao động khi quay trở lại làm việc nên đã để xảy ra những vụ tai nạn lao động không đáng có. Bên cạnh đó, năm 2022, công tác thống kê, báo cáo tình hình tan nạn lao động của các doanh nghiệp đã tăng đáng kể (tắng 31% so với năm 2021) nên việc tổng hợp báo cáo tai nạn lao động cũng đã được cải thiện hơn, chính vì vậy, số vụ tai nạn lao động năm 2022 cũng tăng hơn so với số vụ năm 2021."
Để hạn chế số vụ tai nạn lao động, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 (từ 1-31/5) dự kiến được chính thức phát động vào ngày 26/4/2023 cùng với Tháng Công nhân. Chủ đề tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm nay là “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.
Bà Chu Thị Hạnh cũng cho biết: "Hàng năm, căn cứ vào bối cảnh, những vấn đề nổi cộm về công tác an toàn vệ sinh lao động, Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động sẽ chọn các chủ đề tương ứng để tập trung cao điểm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện, thanh tra, kiểm tra, đối thoại chính sách nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc của đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động nhằm thay đổi nhận thức, đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Qua theo dõi, tổng hợp báo cáo cũng như từ kết quả thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các địa phương, doanh nghiệp, cho thấy năm 2022, một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn lao động do thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, điều kiện lao động ở nhiều doanh nghiệp không đảm bảo, tại nơi làm việc còn xảy ra tình trạng áp lực công việc, đơn hàng, tiến độ, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, theo ước tính của Bộ Y tế, con số này lên đến hàng chục triệu người.
Bên cạnh đó, căng thẳng xung đột tại nơi làm việc cũng xảy ra nhiều, chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động Trung ương nhận thấy rằng cần phải huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong việc chú trọng đến các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động, cải thiện điều kiện lao động, xây dựng nơi làm việc an toàn, hài hòa, ổn định nên đã chọn chủ đề “tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” để phát động trên cả nước nhằm thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, doanh nghiệp, người lao động, đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể để hướng tới người lao động có sức khỏe tốt, năng suất chất lượng cao, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Mời quý vị và các bạn cùng nghe bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời những thắc mắc của thính giả: