Điều 161 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động là giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với lao động là người giúp việc gia đình. Bởi đây là công việc đặc thù, làm việc trong môi trường khép kín (khuôn viên một hộ gia đình), do đó rất dễ xảy ra việc vi phạm quyền lợi của người lao động. Vì thế pháp luật quy định hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản để làm căn cứ trong việc giải quyết tranh chấp lao động. Tại mẫu số 01/PL 5 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn mẫu hợp đồng lao động.

Bà Đào Thị Huyền – Trưởng phòng Chính sách Lao động, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: "Hiện nay, hiểu biết quy định pháp luật về lao động giúp việc gia đình và việc thực hiện các quy định pháp luật chưa được quan tâm thực hiện từ cả phía người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý lao động tại địa phương. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lao động giúp việc gia đình để góp phần bảo vệ quyền, lợi ích, trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động để góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tại các cấp từ trung ương đến địa phương; cung cấp các địa chỉ tư vấn, các đường dây nóng để hỗ trợ khi cần thiết; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với lao động là người giúp việc gia đình."

Tại Điều 163 Bộ luật Lao động và Điều 90 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau:

- Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

- Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

- Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.

- Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

- Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Nghiêm cấm người sử dụng lao động có các hành vi đối với người lao động giúp việc gia đình như sau:

- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

- Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 -

"Tại khoản 1 Điều 165 Bộ luật Lao động quy định nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục đối với người lao động giúp việc gia đình. Khi người lao động giúp việc gia đình bị quấy rối tình dục, người lao động có nghĩa vụ tố cáo với cơ quan có thẩm quyền (ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn hoặc cấp huyện, quận) theo quy định tại khoản 4 Điều 164 Bộ luật Lao động và có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động theo quy định tại tiết d1 điểm d khoản 1 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ. Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục đối với người lao động giúp việc gia đình thì người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày." - Bà Đào Thị Huyền cho biết thêm.

Mời quý vị và các bạn nghe bà Đào Thị Huyền – Trưởng phòng Chính sách Lao động, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tư vấn từng trường hợp cụ thể của thính giả: