Theo đó, ông Lê Thanh Thản bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội "lừa dối khách hàng".

Cơ quan tố tụng cáo buộc ông Thản chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình dự án vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Ông Thản còn chỉ đạo cho tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình, thay đổi công năng sử dụng của tòa chung cư; xây dựng tăng căn hộ và xây thêm hẳn 1 tòa CT6C (nằm trong dự án CT6) không nằm trong quy hoạch được duyệt. Ông Thản quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội), khiến khách hàng tin tưởng đã mua các căn hộ. Các căn hộ được bàn giao cho người dân vào ở từ tháng 1/2013 nhưng do sai phạm trong xây dựng nên suốt 10 năm qua, gần 500 hộ dân sống tại dự án không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Hành vi của ông Thản đã thu lợi bất chính số tiền hơn 480 tỷ đồng.

Chị Đinh Thị Thu Trang – chủ căn hộ 3108 tòa CT6C, dự án CT6 kể lại hành trình 10 năm đi tìm quyền lợi của mình và gia đình: "Chủ đầu tư yêu cầu các hộ cung cấp tài liệu, hồ sơ, giấy tờ để đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Thế nhưng mãi không thấy được cấp giấy tờ sở hữu nhà, gia đình tôi đã tự mang hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thì cũng nhận được câu trả lời là tòa nhà xây dựng trái phép, không đủ giấy tờ, điều kiện để được cấp sổ theo quy định của pháp luật."

Hàng trăm hộ dân tòa CT6C cũng rơi vào tình cảnh giống như gia đình chị Trang nên đã lập ban liên lạc của cư dân tòa nhà để làm việc với chủ đầu tư, với Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội và gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng khác để mong được giải quyết quyền lợi nhưng không có kết quả.

10 năm không được cấp sổ đỏ dẫn đến nhiều hệ lụy với đời sống của hàng trăm cư dân.

"Không có sổ đỏ thì không nhập được hộ khẩu nên nhiều người dân phải cho con học trường tư hoặc học trái tuyến. Không có sổ đỏ thì dù muốn cũng không thể sang nhượng, mua bán căn hộ, giá trị căn hộ cũng sụt giảm. Cuộc sống của cư dân cũng không ổn định bởi từ ngày biết tòa nhà xây dựng trái phép, chúng tôi còn không dám sửa nhà dù căn hộ đã xuống cấp. Bởi chẳng ai biết căn hộ sẽ bị thu hồi lại lúc nào." – Anh Nguyễn Trọng Tuệ - thành viên Ban đại diện cư dân tòa nhà CT6C chia sẻ.

Đến nay, hành trình đòi lại quyền lợi của gia đình chị Trang, anh Tuệ và hàng trăm hộ dân khác ở tòa nhà CT6C, dự án CT6 Kiến Hưng tưởng chừng đã có hy vọng khi Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự với ông Lê Thanh Thản. Tuy nhiên, trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội lại đề nghị Tòa án tuyên buộc ông Thản trả lại tiền cho các bị hại nếu có yêu cầu và phải khởi kiện ông Thản bằng một vụ án dân sự riêng. Điều này khiến người dân rất lo lắng và bức xúc.

"Khi phiên tòa được mở ra, cư dân rất háo hức nhưng khi đọc cáo trạng, phần giải quyết quyền lợi cho cư dân gần như không có. Nếu chuyển thành vụ án dân sự riêng, chúng tôi muốn đòi quyền lợi thì phải có đơn kiện thì Tòa dân sự mới giải quyết. Như vậy sẽ biến thành 488 vụ kiện của 488 hộ dân với ông Thản và thành 488 phiên tòa lẻ, sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức. Chúng tôi đã rất cực khổ trong 10 năm qua. Bây giờ lại thêm 5-6 năm nữa để xử lý hết từng ấy vụ kiện thì chẳng biết còn có thể chịu được nữa không?" - anh Nguyễn Trọng Tuệ chia sẻ.

Chị Đinh Thị Thu Trang – đại diện căn hộ 3108 mong mỏi: "Mong muốn của tôi và gia đình thứ nhất là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trong phiên xét xử sơ thẩm này là sẽ không tách án. Thứ hai là Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và trách nhiệm hình sự phải tương ứng với hành vi và hậu quả mà hành vi đó gây ra."

Luật sư Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng - bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân tại tòa nhà CT6C cho rằng trong các giao dịch mua bán căn hộ, người dân thường yếu thế hơn. Mặc dù về nguyên tắc, khi giao kết hợp đồng, các bên đều phải tìm hiểu đầy đủ các căn cứ pháp lý cũng như tính pháp lý của dự án rồi cùng nhau đàm phán thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên thực tế các hợp đồng mua bán căn hộ thường theo mẫu của bên bán hoặc bên chủ tư đưa ra và người dân rất khó để tìm hiểu được đầy đủ, chính xác các hồ sơ thiết kế căn hộ cũng như các tiện ích đầy đủ của dự án hoặc là những vi phạm, nếu có. Bởi thế, trong vụ án này, các hộ dân tại tòa nhà CT6C vẫn đang mong chờ phán quyết công tâm của Tòa án:

“Hiện tại vụ việc đang phải chờ tòa phán quyết, phía người dân vẫn có nguyện vọng được cấp sổ đỏ, nếu không được cấp thì tòa phải tuyên chủ đầu tư có bồi thường thỏa đáng cho người mua nhà. Bởi cách đây 10 năm, khoảng 1 tỷ đồng là có thể mua được 1 căn nhà; nhưng hiện tại nếu tòa tuyên bồi thường bằng giá trị mua nhà và chi phí cải tạo, sửa chữa căn hộ thì sẽ không đáp ứng được nguyện vọng an cư của người dân.”