Phóng viên: Thưa Luật sư, một số người dân còn chưa biết về chính sách bảo hiểm tiền gửi. Luật sư có thể cho thính giả nghe Đài TNVN được biết chính sách bảo hiểm tiền gửi có từ bao giờ và được điều chỉnh bởi văn bản nào?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam đã có quá trình triển khai từ hơn 20 năm nay. Khuôn khổ pháp lý cao nhất quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi đã được nâng cấp từ Nghị định lên thành Luật vào năm 2012.

Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Đây là lần đầu tiên chính sách bảo hiểm tiền gửi được luật hóa. Trước năm 2012, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam mới tới mức Nghị định của Chính phủ. Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời đã quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG, người được bảo hiểm, quy định cụ thể về tiền gửi được bảo hiểm, thời điểm chi trả... Nhờ vậy, hoạt động bảo hiểm tiền gửi được nâng cao hiệu quả, quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn .

Sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội thông qua, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng nhanh chóng ban hành. Nhờ vậy, các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực. Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHTG bắt buộc đều chấp hành nghiêm túc các quy định về BHTG, được cấp Chứng nhận BHTG và nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ.

Phóng viên: Vâng, như luật sư vừa cho biết thì chính sách bảo hiểm tiền gửi đã được ban hành và các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều phải tham gia, thế nhưng loại tiền gửi nào thì được bảo hiểm, ngoại tệ có được bảo hiểm hay không?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Điều 18, Luật BHTG quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.”

Vậy tất cả các loại tiền gửi cá nhân phù hợp với quy định nêu trên đều là tiền gửi được bảo hiểm.

Tuy nhiên, như trong điều luật tôi vừa viện dẫn, trong Luật BHTG và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG hiện hành còn chưa quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”. Do vậy, vẫn còn các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm. Trên thực tế, còn tồn tại khó khăn trong việc xác định một số loại tiền gửi có là tiền gửi được bảo hiểm hay không như: tiền gửi ký quỹ, hay là thẻ trả trước chẳng hạn…

Đây có lẽ là một bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành.

Phóng viên: Vâng, như vậy là sau một thời gian thực thi thì chúng ta cũng đã nhận thấy những vấn đề chưa thực sự rõ ràng trong Luật BHTG. Nhân đây, luật sư có thể cho thính giả được biết về các loại tiền gửi không được bảo hiểm tiền gửi?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Điều 19 Luật BHTG, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định: Tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD) của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó. Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó. Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành”. Ngoài ra, tiền gửi không phải bằng Đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được bảo hiểm.

Phóng viên: Thưa luật sư, khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp vấn đề có thể dẫn tới phá sản thì thời hạn trả tiền bảo hiểm là điều mà rất nhiều người dân quan tâm, hiện nay pháp luật quy định như thế nào về thời hạn trả tiền bảo hiểm?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Điều 23 Luật BHTG hiện hành quy định: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG.”

Điều 22 của Luật này cho biết: Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

Thực tế vận hành Luật BHTG cho thấy: cần phải sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng sớm hơn. Song song đó, sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn trả tiền bảo hiểm theo hướng rút ngắn thời hạn trả tiền đối với trường hợp hồ sơ chi trả BHTG đầy đủ, hợp lệ, đủ điều kiện để chi trả sớm hơn cho người gửi tiền nhằm ổn định tâm lý người gửi tiền. Đây cũng là khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền. Những điều vừa nêu rất đáng lưu tâm khi chúng ta chuẩn bị sửa đổi, bổ sung luật BHTG.

Phóng viên: Vâng, từ đầu chương trình đến giờ bên cạnh việc tư vấn rất cụ thể các quy định hiện hành, luật sư cũng đã chỉ ra cho thính giả thấy những điều bất cập trong luật hiện nay. Xin hỏi Luật sư là khi sửa Luật BHTG thì làm thế nào để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và để BHTGVN tham gia hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và để BHTGVN tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật BHTG và đang thúc đẩy việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quyền lợi của người thụ hưởng chính sách BHTG, đó là người gửi tiền.

Đồng thời, cần thiết bổ sung quyền hạn trách nhiệm của BHTGVN. Chẳng hạn, pháp luật về BHTG hiện hành chưa quy định các biện pháp chế tài mà BHTG Việt Nam có thể áp dụng đối với tổ chức tham gia BHTG vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, nếu phát hiện tổ chức tham gia BHTG vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, BHTG Việt Nam có thể yêu cầu tổ chức đó thực hiện các biện pháp chấn chỉnh kịp thời, báo cáo bằng văn bản lên Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, ở hệ thống BHTG hiệu quả, tổ chức BHTG được phép áp dụng các biện pháp xử lý thích đáng đối với tổ chức tham gia BHTG vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Để tránh việc người gửi tiền rút tiền gửi, tổ chức tham gia BHTG bắt buộc phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng cũng như các quy định của pháp luật về hoạt động BHTG.

Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định trong Luật BHTG để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD, xử lý TCTD yếu kém như xử lý, can thiệp sớm, đặc biệt đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt.

Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư Đinh Thị Chúc – Công ty Luật Aladin./.