Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng các quy định hiện hành đang tạo ra bất cập, cản trở tiến độ lập quy hoạch, gây chồng chéo và làm phát sinh tình trạng “quy hoạch treo”. Những kiến nghị cụ thể đã được nêu để điều chỉnh dự thảo luật theo hướng linh hoạt, khả thi và thực tiễn hơn.

Góp ý về hệ thống quy hoạch tại Điều 5, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị không nên tiếp tục duy trì quy hoạch vùng như một cấp quy hoạch độc lập. Theo ông Thịnh, nên gộp quy hoạch vùng vào định hướng của quy hoạch quốc gia hoặc tỉnh để giảm tầng nấc trung gian và nâng cao hiệu quả điều phối.

Ông cũng nhấn mạnh việc yêu cầu điều chỉnh quy hoạch cấp dưới nếu có mâu thuẫn với cấp trên là quá máy móc, dẫn đến áp lực lớn, chậm tiến độ và phát sinh thêm thủ tục. “Cần quy định rõ ngưỡng điều chỉnh, cho phép linh hoạt, cập nhật định kỳ và ưu tiên giải pháp khả thi trong bối cảnh cụ thể của địa phương”, ông nói.

Từ kinh nghiệm triển khai quy hoạch sử dụng đất thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị sửa đổi quy định từ “được lập đồng thời” thành “phải lập đồng thời” đối với các loại quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh và chuyên ngành.

Theo ông, nếu các quy hoạch không đồng thời thì sẽ dẫn đến tình trạng quy hoạch cấp dưới đi trước nhưng không khớp với định hướng cấp trên, buộc phải điều chỉnh, gây lãng phí thời gian và nguồn lực. Việc lập đồng thời cũng giúp các bên chia sẻ thông tin, phối hợp nguồn lực và đảm bảo tính khớp nối giữa quy hoạch ngành và lãnh thổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhấn mạnh cần bổ sung cơ chế rõ ràng để xử lý xung đột giữa các loại quy hoạch, đặc biệt là khi triển khai dự án thực tế. Bà dẫn chứng tình trạng quy hoạch giao thông quốc gia không ăn khớp với quy hoạch tỉnh, hoặc giữa quy hoạch đất và quy hoạch đô thị thường xuyên “vênh nhau”, gây khó khăn trong cấp phép và triển khai đầu tư.

“Luật cần quy định rõ nguyên tắc, thẩm quyền và trách nhiệm xử lý mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch, đồng thời khuyến khích áp dụng công cụ hỗ trợ như hệ thống thông tin địa lý để kiểm soát chồng lấn”, bà Xuân nói. Bà cũng kiến nghị chỉ nên yêu cầu quy hoạch chi tiết 1/500 tuân thủ quy hoạch cấp trên liền kề, nhằm hạn chế vướng mắc khi triển khai dự án cụ thể.

Ngoài ra, đại biểu Bình Dương còn đề xuất phải có tiêu chí rõ ràng để xác định vùng lập quy hoạch nhằm tránh bỏ sót các khu vực động lực hoặc chồng lấn hành chính - đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính như hiện nay.

Thay mặt cơ quan chủ trì, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật sẽ điều chỉnh nội dung quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh theo hướng “khung định hướng và mở”, tạo điều kiện linh hoạt để địa phương triển khai. Nội dung chi tiết sẽ thể hiện trong các quy hoạch chuyên ngành, kỹ thuật.

Về vai trò của chính quyền cấp xã, ông Thắng khẳng định, tuy không có thẩm quyền ban hành quy hoạch, nhưng cấp xã là đơn vị thực thi trực tiếp. Do đó, trong luật và các nghị định hướng dẫn sẽ quy định rõ trách nhiệm lấy ý kiến cấp xã khi lập quy hoạch - đảm bảo tính khả thi và bám sát thực tiễn triển khai tại cơ sở.