Sự việc cô gái 22 tuổi quê ở Long An, tạm trú tại Hà Nội tử vong vì nâng mũi đã khiến nhiều người xót xa. Sự việc xảy ra khi chị P.T.D.H. đến cơ sở thẩm mỹ tại ngõ 147A Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) được bạn giới thiệu để nâng mũi từ ngày 14/1/2022. Một ngày sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) yêu cầu đến bệnh viện để trao đổi trực tiếp gấp vì sức khỏe của H. rất nguy kịch. Lúc này các bác sĩ thông báo chị H. đang hôn mê, tình trạng nguy kịch, chỉ có 20% cơ hội sống sót. Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai không có tiến triển, ngày 25/2, gia đình đã đưa chị H. về Bệnh viện Đa khoa Long An để tiếp tục điều trị. Sau hơn 2 tháng hôn mê, nguy kịch, đến tối 16/3, chị H. đã tử vong.
Cuối tháng 4/2022, một phụ nữ 39 tuổi đã đến cơ sở thẩm mỹ đóng tại phường 11, quận 6 thành phố Hồ Chí Minh tiêm 3 lọ filler Alisa vào vùng ngực và mặt. Sau khi tiêm, người phụ nữ này đã rơi vào tình trạng nguy kịch.
Sáng 4/8, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã cấp cứu, điều trị cho nhiều ca tổn thương mắt do làm đẹp ở cơ sở chui. Bệnh nhân đầu tiên là nữ 41 tuổi. Sau khi được tư vấn và cắt mí tại một thẩm mỹ viện ở quận Gò Vấp, bệnh nhân bị thủng 4 lỗ ở mắt do tai biến vì chích tê để mổ mí. Một trường hợp khác, bệnh nhân đến Bệnh viện Mắt TP.HCM cấp cứu trong tình trạng cơ vùng mắt bị kéo lên khỏi vùng da, hoại tử, sưng tấy vì cắt mắt tại một cơ sở thẩm mỹ không phép. Thậm chí có một bệnh nhân mới 17 tuổi cũng tự đi làm đẹp tại một spa với "combo làm mắt - mũi - môi" với chi phí 9 triệu đồng. Bệnh nhân cũng gặp phải hậu quả nặng nề, mù mắt, giảm thị lực khó tránh khỏi.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Tùy theo mức độ vi phạm mà thẩm mỹ viện "chui" sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 6, khoản 7 Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có giấy phép. Đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động trong vòng từ 12-24 tháng.
Ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời gian hoạt động, các cơ sở này gây ra hậu quả chết người; hoặc tổn thương về sức khỏe của những khách hàng đến thực hiện dịch vụ; thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315, Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 155/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định của nhà nước về dịch vụ y tế thì các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 128 của Bộ luật hình sự về tội Vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Trường hợp người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người thì tùy theo tính chất vụ việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo quy định tại Điều 315 BLHS năm 2015 theo đó, mức hình phạt nhẹ nhất từ 01-05 năm tù, nặng nhất là 15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của BTV với luật sư Nguyễn Hữu Toại tại đây: