Để đảm bảo cho nhân dân đón Tết an toàn và lành mạnh, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường ứng trực, tuần tra kiểm soát. Do vậy, nếu ai còn tâm lý chủ quan, không chấp hành luật an toàn giao thông trong những ngày giáp Tết thì cần phải chấn chỉnh, để đảm bảo an toàn cho chính mình, cho những người xung quanh và để không phải đối diện với những biên bản xử lý nghiêm khắc từ chế tài pháp luật. Bởi theo quy định của Nghị định 123/2021, kể từ ngày 01/01/2022, mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được tăng nặng hơn so với Nghị định 100/2019.

Cụ thể, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điều 5); đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm thì mức phạt tiền là từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (Điều 6); đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (Điều 7); đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 600.000 đồng (Điều 8).

Ngoài ra người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn cao nhất đến 24 tháng.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Cty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn đo được trong khí thở hoặc máu thì sẽ bị coi là vi phạm mà không có mức khởi điểm nhất định. Theo lý thuyết, từ 12 đến 24 giờ sau khi uống rượu bia thì vẫn có thể đo được nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Tuy nhiên nồng độ cồn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phản ứng (mạnh hay yếu) của gan đối với rượu bia, lượng rượu bia đã uống và lượng thực phẩm ăn kèm của mỗi người. Do đó, mọi người không nên chủ quan, vì thực tế khi một người uống rượu từ tối hôm trước, ngủ qua một đêm, thì đến sáng hôm sau vẫn có thể đo được nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, khi người đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì vẫn bị coi là vi phạm và bị xử lý theo quy định.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu đèn vàng bật sáng mà người điều khiển xe chưa đi quá vạch dừng xe mà vẫn đi tiếp (dù không có mối nguy hiểm nào) thì sẽ bị coi là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sẽ bị xử phạt theo quy định sau:

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm a Khoản 5 Điều 5); đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điểm e Khoản 4 Điều 6); đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm thì mức phạt là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm đ Khoản 5 Điều 7); còn đối với người khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm đ Khoản 2 Điều 8).

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Mời quý vị nghe luật sư Nguyễn Đức Hùng thông tin về mức xử phạt với một số lỗi vi phạm giao thông phổ biến tại đây: