Tại kỳ họp này Quốc hội đã bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước và nhiều chức danh quan trọng khác. Các phiên thảo luận sôi nổi tại Nghị trường với phát biểu thẳng thắn, trực diện đi sâu, tìm ra căn nguyên để giải “bài toán” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với tập trung cho công tác lập pháp, tại Kỳ họp này các phiên chất vấn và các chương trình giám sát tối cao đã đi đúng, trúng trọng tâm vấn đề đang tồn tại, kịp thời tháo gỡ những “nút thắt” trong cuộc sống.
Đảm bảo chất lượng và tính khả thi của các dự án Luật.
Công tác lập pháp trong kỳ họp lần thứ 7 được coi là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV này. Với khối lượng công việc lập pháp rất lớn, thông qua 11 dự án luật và 21 nghị quyết, cho ý kiến 11 dự án luật. Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng Quốc hội đã làm việc với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn, dành nhiều thời gian, trí tuệ để nghiên cứu từng dự án luật. Đại biểu Quản Minh Cường, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng những góp ý của các đại biểu đã góp phần nâng cao chất lượng của dự án luật: “Tôi rất ấn tượng về kỳ họp hết sức quan trọng này. Tại kỳ họp thứ 7 đã thông qua rất nhiều luật. Tôi tin tưởng rằng với hệ thống pháp luật vừa ban hành này bổ sung từ Luật bảo hiểm này trong Luật cảnh vệ Luật Quốc phòng công nghiệp quốc phòng, an ninh … sẽ giúp cho bộ máy Nhà nước vận hành một cách tốt nhất đảm bảo cho đời sống của nhân dân tốt nhất kinh tế xã hội phát triển an ninh trật tự đảm bảo”.
Trong công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 11 Luật. Đáng chú ý là Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tiếp thu ý kiến đại biểu và cử tri; đặc biệt là phát huy dân chủ, thể hiện sự thận trọng trong làm Luật, Quốc hội tiến hành lấy phiếu xin ý kiến từng đại biểu để đi đến thống nhất trong luật quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều này có nghĩa, nồng độ cồn bị cấm tuyệt đối khi tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, không phân biệt loại phương tiện.
Nhiều dự thảo Luật đáp ứng kỳ vọng của cử tri cả nước
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức thông qua đề xuất của Chính phủ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực sớm của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Như vậy, từ ngày 01/8/2024 các chính sách quan trọng trong Luật đất đai như bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân; quy định đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; việc thu hồi đất nông lâm trường; chính sách tích tụ đất đai của nông nghiệp; Chính sách giá đất, tài chính đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... sẽ được thực thi nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất đai.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng điều quan trọng lúc này là Chính phủ cần gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết để có thể áp dụng được ngay các quy định này từ ngày 1/8 tới. “Khi mà đưa Luật vào cuộc sống thì cái chính vẫn ở địa phương triển khai thực hiện. Rồi tính đồng bộ và phối hợp giữa các luật. Phải làm sao trên thuận dưới thông, thông từ trên xuống dưới thì mới dễ làm, chứ ra hướng dẫn rồi mỗi người một ý trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì không thực hiện được. Không dám làm không dám chịu trách nhiệm, nó ở đây hết.
Bên cạnh đó, dự án luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được đặt lên bàn nghị sự khi liên tiếp có những hậu quả đau lòng do cháy nổ xảy ra. Dự thảo luật đã quy định cụ thể về mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh và quy trách nhiệm người đứng đầu nếu phát hiện có buông lỏng quản lý. Trong lúc chờ đợi hoàn thiện pháp lý, để ngăn ngừa những vụ cháy thương tâm thì giải pháp cấp bách là cần rà soát các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh; xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý tình huống xảy ra cháy nổ, đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời, chuyên nghiệp. Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất: “Đối với nhà ở, nhà cho thuê, nhà trọ, nhà ở kết hợp với cơ sở sản xuất kinh doanh thì việc phòng cháy, chữa cháy đi vào những chi tiết rất nhỏ. Đây sẽ trở thành rất là hữu ích. Đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thì phải có giải pháp ngăn cháy. Thế nào là ngăn cháy? phải cụ thể hơn. Phòng thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hơn là chữa”.
Phát triển văn hóa cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Trong 11 Dự thảo Luật đưa ra xin ý kiến lần đầu trong kỳ họp lần này, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét, quyết định, cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo tờ trình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thực hiện trong 11 năm (từ 2025 đến 2035), chia làm 3 giai đoạn, gồm giai đoạn năm 2025, 2026-2030 và 2031-2035.
Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, đó là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Cùng với đó là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Các đại biểu mong muốn chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa sớm được thông qua. Bởi văn hóa là một trong những trụ cột của phát triển bền vững. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho dài lâu không phải một sớm một chiều và phải lấy con người làm trung tâm. Chính vì thế, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thì các vấn đề về văn hóa đưa ra tại kỳ họp lần này đã cơ bản giải quyết được những vấn đề văn hóa đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay.“Đặc biệt là tạo cho các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước một niềm tin rằng ngành văn hóa cũng như chính phủ đã cố gắng, nỗ lực tìm ra một số giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, cần có thêm những nghiên cứu, phân tích để các vẫn đề liên quan đến Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với nhau hài hòa. Từ đó lan tỏa sang sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.
Tăng lương cơ sở góp phần ổn định an sinh xã hội
Một trong những vấn đề an sinh – xã hội, tác động trực tiếp tới cuộc sống của người lao động cũng đã được Quốc hội chú trọng trong kỳ họp lần này, đó là Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, đồng ý thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1 triệu 800 nghìn đồng/tháng lên 2 triệu 340 nghìn đồng/tháng từ ngày 1/7/2024. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng cần đảm bảo lộ trình tổ chức thực hiện đạt được hiệu quả: “Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cố gắng thực hiện đề án cải cách tiền lương theo tinh thần, nghị quyết 27 của trung ương. Tuy nhiên, hiện nay là do đề án của các bộ, ngành và địa phương khi xây dựng về vị trí việc làm là chưa đảm bảo nên là trong Ban chỉ đạo cũng chưa trình Bộ Chính trị để phê duyệt danh mục tổ chức triển khai thực hiện. Thế thì cơ sở nào để cho Chính phủ căn cứ đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức làm cơ sở cho chi lương thưởng trong đợt này cũng như các văn bản cần thiết khác. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một trong những vấn đề mà chúng ta cần phải tính toán trong các giải pháp để đảm bảo rằng trong lộ trình tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả như mong muốn”.
Có thể nói với khối lượng công việc rất lớn, nhưng các đại biểu Quốc hội đã có những đóng góp, thảo luận có chất lượng, có trách nhiệm đảm bảo nhiều dự án luật trong kỳ họp được thông qua. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang kỳ vọng các dự án Luật thông qua tại kỳ họp này sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống để đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước: “Tôi rất là kỳ vọng với những quyết sách quan trọng đã được thông qua, với những dự án luật có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như đảm bảo được an sinh, những vấn đề mà người dân rất quan tâm như: vấn đề cải cách tiền lương, các chế độ trợ cấp, các chế độ hỗ trợ rồi lương hưu, những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội được thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống để giải quyết những điểm nghẽn cũng như đáp ứng được thực tế phát sinh trong các lĩnh vực. Đặc biệt là phải tạo ra một động lực lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới, mang lại sự thịnh vượng cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân”.
Mỗi kỳ họp là nơi đại biểu Quốc hội gửi gắm, truyền tải thông điệp mà cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội. Kết quả của Kỳ họp thứ 7 với các Luật, Nghị quyết, chính sách mới được ban hành sẽ là cơ sở quan trọng để tháo gỡ “nút thắt”, làm cho hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất. Đó cũng chính là sự thể chế hóa tốt nhất những chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững./.