Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của 1 người, là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân, gồm: Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Theo luật sư Vũ Thị Mai Phương – Giám đốc Công ty luật TNHH Sunlight, khi bị mất Giấy khai sinh bản gốc, công dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh. Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/ NĐ - CP quy định: Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

Công dân được đăng ký lại khai sinh khi có đủ các điều kiện sau: Đã đăng ký khai sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016; Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ khai sinh đều bị mất; Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải còn sống tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Luật sư Vũ Thị Mai Phương cho biết thêm căn cứ theo Nghị định 123/2015/ NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và Thông tư 04/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Hộ tịch và Nghị định 123, để đăng ký lại khai sinh, người dân cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký lại khai sinh theo mẫu (trong đó cam đoan của người yêu cầu của việc đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh).

- Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó (nghĩa là: bản sao Giấy khai sinh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ; gồm bản sao chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ đăng ký khai sinh.) Trường hợp không có các giấy tờ đó thì phải có các giấy tờ hợp lệ thay thế khác như bản sao: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, sổ tạm trú, học bạ, bằng tốt nghiệp…. các giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận cá nhân đó có thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của người đó.

- Trường hợp người đăng ký khai sinh lại là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm: chữ đệm, tên, giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc, quốc tịch, quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ mà cơ quan đang quản lý.

Trong trường hợp có những sai sót, nhầm lẫn Giấy khai sinh thì không làm thủ tục cấp lại mà làm thủ tục cải chính Giấy khai sinh được quy định tại Điều 7 Nghị định 123/2015 quy định về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Vũ Thị Mai Phương - Giám đốc Công ty luật TNHH Sunlight: