Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Khi không may một tổ chức tín dụng bị phá sản, người gửi tiền tại tổ chức tín dụng đó sẽ được BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm với hạn mức bảo hiểm là 125 triệu đồng gồm cả gốc và lãi của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Phóng viên VOV2 đã trao đổi với luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật ALadin để cung cấp những thông tin cần thiết cho thính giả được biết:

PV: Luật sư có thể cho biết thủ tục trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi được thực hiện như thế nào?

LS Đinh Thị Chúc: Điều 26 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định thủ tục trả tiền bảo hiểm như sau:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm bao gồm văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm, danh sách người được bảo hiểm tiền gửi, số tiền gửi của từng người được bảo hiểm tiền gửi và số tiền bảo hiểm đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra theo quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi; thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.

Khi nhận tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trực tiếp trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi hoặc ủy quyền cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khác thực hiện.

Sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu nhà nước và bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không có quyền yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả số tiền bảo hiểm đó.

PV: Trường hợp người gửi tiền mất đột ngột, người thừa kế không biết người gửi tiền có các khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng nào, thì khi một tổ chức tín dụng bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, làm như thế nào để người thừa kế biết được mình có nằm trong đối tượng được chi trả hay không? Tôi nghĩ tình huống này rất dễ xẩy đến trong đời sống xã hội.

LS Đinh Thị Chúc: Theo Khoản 3, Điều 26, Luật BHTG, BHTGVN sẽ thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.

Vì vậy, trường hợp người gửi tiền mất đột ngột, người thừa kế nghi ngờ mình thuộc đối tượng được chi trả bảo hiểm thì có thể trực tiếp đến tra cứu danh sách người được trả tiền bảo hiểm được niêm yết công khai tại địa điểm BHTGVN đã thông báo, hoặc liên hệ với BHTGVN để xác minh.

PV: Trong trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi không may bị thất lạc thẻ tiết kiệm (hoặc chứng chỉ tiền gửi) phải làm như thế nào để được nhận tiền bảo hiểm?

LS Đinh Thị Chúc: Theo quy định tại Điều 23 và Khoản 3 Điều 25 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-NHNN năm 2014 hợp nhất Quyết định về quy chế tiền gửi tiết kiệm do NHNN ban hành, người gửi tiền có trách nhiệm thông báo kịp thời về việc mất thẻ tiết kiệm cho tổ chức nhận tiền gửi và tổ chức nhận tiền gửi sẽ xử lý các trường hợp nhàu, nát, mất thể tiết kiệm theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm.

Như vậy, trường hợp người được BHTG bị thất lạc thẻ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, trước khi thực hiện thủ tục nhận tiền bảo hiểm cần làm thủ tục xác nhận theo quy định pháp luật hiện hành.

PV: Người được bảo hiểm tiền gửi vắng mặt hoặc không thể đến nhận tiền bảo hiểm thì sẽ xử lý như thế nào? Thưa Luật sư

LS Đinh Thị Chúc: Khoản 6, Điều 26, Luật BHTG quy định: “Sau thời hạn 10 năm kể từ ngày BHTG có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm thì những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu nhà nước”. Như vậy, nếu người được BHTG không thể đến nhận tiền bảo hiểm vào ngày BHTGVN xác định trong thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm thì có thể đến nhận trực tiếp tại BHTGVN sau ngày đã thông báo nhưng không được vượt quá thời hạn 10 năm nêu trên.

Cách khác, người được BHTG có thể thực hiện ủy quyền nhận tiền bảo hiểm. Khi đó, BHTGVN sẽ giải quyết chi trả theo Khoản 2,3,4 Điều 8 Quy chế chi trả tiền gửi được bảo hiểm, ban hành kèm theo Quyết định 807/QĐ-BHTG ngày 19/10/2016 của Hội đồng quản trị BHTGVN và các quy định khác của pháp luật hiện hành liên quan đến thủ tục ủy quyền.

Trường hợp người được BHTG không thể đến nhận tiền trực tiếp tại BHTGVN sau ngày thông báo và cũng không thực hiện ủy quyền thì có thể gửi văn bản đến BHTGVN yêu cầu trả tiền bảo hiểm theo phương thức chuyển khoản. Khi đó, ngoài các giấy tờ hợp pháp, hợp lệ cần thiết, người được BHTG còn phải thực hiện các quy định khác về thanh toán chuyển khoản.

PV: Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự thì có được giải quyết nhận tiền bảo hiểm tiền gửi hay không, cụ thể như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Điều 22, Bộ luật Dân sự (2015), quy định: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần… Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Vậy trong trường hợp người được BHTG được xác nhận là mất năng lực hành vi dân sự thì tiền bảo hiểm sẽ được chi trả cho người đại diện theo pháp luật xác lập. Khi đó, người nhận tiền bảo hiểm cần mang theo giấy tờ tùy thân, sổ tiền gửi của người được bảo hiểm và các giấy tờ khác chứng minh tính đại diện luật pháp cho người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

PV: Xin cảm ơn Luật sư Đinh Thị Chúc – Công ty Luật ALadin

Mời các bạn nghe nội dung cuộc trao đổi dưới đây: