Đầu năm nay, mọi người xôn xao bàn tán về việc một bệnh nhân tại Tp. Hồ Chí Minh, đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Bệnh viện Triều An. Từ ngày 01/01 đến 08/3/2021, bệnh nhân này có số lần KCB BHYT lên đến 80 lần tại 18 bệnh viện khác nhau trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Gò Vấp (17 lần), Bệnh viện quận 7 (11 lần), Bệnh viện Thủ Đức (10 lần)… Tổng kinh phí quỹ BHYT phải chi trả cho bệnh nhân này là hơn 60 triệu đồng.

Không chỉ có vậy, mới đây, cơ quan chức năng phát hiện bệnh nhân N.V.G. bị viêm gan, rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp liên tục đi khám chữa bệnh ở 7 BV, khoảng 50 lần khám chữa bệnh BHYT. Nghiêm trọng hơn, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh, đã phát hiện 2 trường hợp dùng thẻ BHYT của người khác để đi khám nhiều lần ở BV quận 2 (nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức) và ở Bệnh viện Quận Thủ Đức (nay là Bệnh viện TP. Thủ Đức). Thủ đoạn của 2 trường hợp này là lấy thẻ BHYT, CMND của người khác rồi dán ảnh của mình vào, sau đó đến các nơi này khám bệnh.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết: Đối với hành vi trục lợi quỹ BHYT sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả. Tùy vào từng mức độ của hành vi vi phạm mà pháp luật sẽ quy định về các mức xử phạt khác nhau, căn cứ vào Nghị định 177/2020/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, hành vi trục lợi bảo hiểm y tế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gian lận bảo hiểm y tế” hay "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tham ô tài sản”,…được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Cụ thể, Nghị định 177/2020/NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau: Tùy vào từng hành vi trục lợi BHYT mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính thấp nhất từ 1 triệu đồng đến mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng nếu thuộc các trường hợp: Cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh; Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có hoặc không đúng người bệnh; Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Xác định quyền lợi trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT không đúng với thông tin trên thẻ; Lạm dụng việc chỉ định và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ y tế khác quá mức cần thiết so với quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật y tế.

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gian lận bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 215 BLHS hiện hành, thì tùy vào số tiền chiếm đoạt từ quỹ BHYT, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm, mức phạt cao nhất là phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm./.