Ngày 15/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, thi hành lệnh tạm giam đối với Nguyễn Tấn Bình (41 tuổi, ngụ quận 6) để điều tra về tội mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Đây là kết quả từ quá trình truy xét, mở rộng chuyên án triệt phá đường dây mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng hoạt động tại các hội nhóm kín "Phế liệu chiến tranh" và "Phế liệu chiến tranh - BW" trên không gian mạng. Qua đó, thu giữ 4 quả lựu đạn, gần 100 khẩu súng, 9.000 viên đạn các loại, hàng ngàn linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và nhiều tang vật khác có liên quan.
Trước đó, vào tháng 6/2024, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh triệt phá đường dây tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, tang vật thu giữ là hàng loạt vũ khí quân dụng gồm 4 khẩu súng ngắn (dạng ổ xoay), 55 viên đạn và nhiều bộ phận, linh kiện súng khác. Đối tượng cầm đầu Đỗ Ngọc Điệp (SN 1996, trú tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) khai nhận, số linh kiện này mua của nhiều đối tượng qua mạng telegram.
Không chỉ sử dụng mạng xã hội telegram đặt máy chủ ở nước ngoài để giao dịch, các đối tượng tinh vi sử dụng nick ảo, cài đặt chế độ tự xóa tin nhắn để xóa dấu vết. Các đối tượng lợi dụng sự sơ hở trong kiểm tra hàng hóa của các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính để trà trộn hàng cấm vào các bưu kiện, bưu phẩm gửi cho người mua hàng. Quá trình làm thủ tục gửi hàng, các đối tượng thỏa thuận với nhau sử dụng tên, địa chỉ giả nhằm tránh sự truy vết của lực lượng chức năng. Khi có thông báo của nhân viên giao hàng, các đối tượng sẽ thay đổi địa điểm nhận hàng hoặc thuê người đến nhận hàng rồi mang về địa điểm cất giấu, sau đó bán lẻ cho những người có nhu cầu.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng, vũ khí quân dụng thuộc quyền quản lý độc quyền của Nhà nước, do đó hành vi mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu ở mức độ nhẹ, chưa gây hậu quả, số lượng rất nhỏ thì có thể bị xử lý hành chính theo Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với số tiền phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Nếu hành vi mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng ở mức độ nghiêm trọng và có dấu hiệu tội phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của Điều 304 Bộ luật Hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự với khung hình phạt cao nhất là đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019 quy định:
...
2. Vũ khí quân dụng bao gồm:
a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này;
b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.
...
Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng về: