Từ thực tiễn các vụ cháy xảy ra ở Hà Nội thời gian qua, như vụ cháy ở phố Định Công Hạ hay vụ cháy ở phố Trung Kính....đa số đều ở các khu đông dân cư, trong ngõ sâu, hẻm nhỏ, khiến các phương tiện phòng cháy chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận, gây ra hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Nhiều đại biểu đặt vấn đề cần có giải pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả đối với khu vực này.
Theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, hiện một số đơn vị của ngành công an đã thử nghiệm mô hình mô tô chữa cháy có thể tiếp cận các khu vực cháy trong ngõ sâu, hẻm nhỏ. Các xe mô tô này được trang bị máy phát điện, máy bơm chữa cháy khiêng tay, bình chữa cháy xách tay... giúp hạn chế đám cháy lây lan, nhờ đó người bị nạn có nhiều cơ hội thoát nạn hơn.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất: “Hiện tại Hà Nội đang có kế hoạch lắp các trụ nước nhỏ ở các hẻm nhỏ, mô hình này nếu kết hợp với các phương tiện mô tô chữa cháy sẽ nâng cao hiệu quả chữa cháy ở các nơi mà phương tiện chữa cháy chuyên dụng không tiếp cận được. Mô hình này nếu hiệu quả sẽ nhân rộng cả nước. Đối với các địa phương chưa có kế hoạch lắp đặt các trụ nước chữa cháy ở các hẻm nhỏ thì có thể 200m trích một đầu cấp nước ở nhà dân để phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy.”
Bên cạnh đó, hiện nhiều nhà dân tự ý lắp đặt “chuồng cọp” kiên cố, khi xảy ra cháy nổ lực lượng chức năng rất khó phá dỡ để thực hiện giải cứu nạn nhân. Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh góp ý, cần trang bị thêm các phương tiện hiện đại như máy cắt sắt cầm tay sạc pin vào danh mục cho lực lượng phòng cháy chữa cháy: “Hiện nay công cụ cắt sắt bằng pin rất gọn nhẹ và hiệu quả hơn các dụng cụ cứu nạn như xà beng, búa tạ, kìm cộng lực. Đặc biệt đối với nhà dân có các chuồng cọp thì dụng cụ này cắt khung sắt giải cứu người dân rất nhanh, trong khu xà beng, búa tạ, kìm cộng lực không cắt được khung sắt. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung dụng cụ cắt sắt cầm tay bằng pin sạc trong danh mục cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, có thể thêm cả mặt nạ chống khói, áo chồng chống cháy để đưa người bị nạn ra ngoài an toàn hơn.”
Các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và đề xuất phải lấy phòng ngừa là chính. Cần tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, sự cố, tai nạn và thiệt hại do cháy gây ra. Quan tâm tới những giải pháp và biện pháp phòng cháy quy định tại Chương II của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị bổ sung vào Điều 12 biện pháp cơ bản trong phòng cháy nội dung “tích cực khai thác lực lượng tại chỗ, bên cạnh lực lượng phòng cháy chữa chuyên nghiệp, chú trọng việc phát huy vai trò của người dân ở địa phương. Bên cạnh đó phải tiến hành thanh tra tình hình, tình trạng lấn chiếm các hành lang thoát hiểm phục vụ công tác chữa cháy trong các khu dân cư. Đặc biệt cần xã hội hóa các hình thức thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cũng như công tác nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Có thể nói, dự thảo luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã bổ sung điều kiện cơ bản, bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh như hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy, chất dễ cháy nổ phải để sang nguồn lửa nguồn nhiệt..Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân. Đại biểu Huỳnh Thị Thu Phước, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề xuất “phải lắp đặt các phương tiện, thiết bị báo động chữa cháy trong nhà như thiết bị báo cháy bốc khói, khuyến khích lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động hoặc có thể kích hoạt từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh. Đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu, dữ liệu khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo kịp thời chữa cháy hiệu quả không để đám cháy lan rộng”.
Trong bối cảnh hiện nay, các đại biểu Quốc hội mong muốn Luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sớm được thông qua để tháo gỡ những tồn tại trong thực tế. Đặc biệt, khuyến khích được người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia vào trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.