Thính giả Nguyễn Thị Lệ ở Hải Hậu, Nam Định gửi thư về VOV2 nêu câu hỏi:
Gần phần đất giáp ranh với nhà tôi, nhà hàng xóm trồng 1 cây xoài và 1 cây vú sữa. Cây xoài có nhiều lá rụng, đọng lại trên mái nhà và nhiều cành ngả sang đất nhà tôi làm hư hỏng mái ngói. Còn cây vú sữa bị nghiêng, gần bật gốc, có nguy cơ đổ vào nhà tôi. Nhiều lần, tôi đã đề nghị nhà hàng xóm chặt các cành vươn sang đất nhà mình và đốn cây vú sữa bị nghiêng để tránh cây đổ nhưng nhà hàng xóm không đồng ý với lý do cây trồng trên đất nhà người ta, không phải nhà tôi mà tôi lại yêu cầu như vậy. Không biết như vậy có đúng không và làm sao để tôi có thể giải quyết được vấn đề đang gặp phải.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, pháp luật hiện hành, cụ thể là Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về ranh giới giữa hai bất động sản như sau:
“Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.”
Như vậy, quy định của pháp luật chưa định nghĩa như thế nào là ranh giới giữa các bất động sản nhưng đã liệt kê ra các cách thức xác định ranh giới giữa các bất động sản.
Trong trường hợp ranh giới giữa hai bất động sản đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật, được công nhận và các công trình đều được xây dựng trong phạm vi khuôn viên quyền sở hữu của mình thì hành vi trồng cây để các cành cây ngả sang và có nguy cơ gây thiệt hại cho nhà bên cạnh là hành vi vi phạm pháp luật dân sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015, người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.
Chính vì vậy, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội cho rằng, trong trường hợp này, để bảo đảm an toàn gia đình thính giả cần thoả thuận, thương lượng cùng nhà hàng xóm giải thích các quy định của pháp luật và yêu cầu nhà hàng xóm chặt bỏ những cành của cây xoài và cây vú sữa ngả sang phần diện tích đất của gia đình. Nếu không đạt được thỏa thuận thì có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường hoặc cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết. Chi phí chặt cây, công trình xây dựng sẽ do nhà hàng xóm phải trả. Ngoài ra, đối với những cành cây làm hư hỏng mái ngói cũng có quyền yêu cầu nhà hàng xóm bồi thường theo thiệt hại thực tế.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội: