Điều 21 Bộ luật Hình sự/2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Mắc bệnh tâm thần được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình như tội giết người, nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì thường được tòa án không áp dụng hình phạt tử hình. Khi đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Lợi dụng quy định này, nhiều người đã tìm mọi cách để có trong tay bệnh án tâm thần giả nhằm đối phó với các cơ quan pháp luật khi phạm tội. Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Trường hợp các đối tượng vi phạm pháp luật bị phát hiện bệnh án tâm thần là giả, có nghĩa là các đối tượng này không được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự, vì vậy họ sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự đối với tội danh của mình và bị xử lý bình thường theo quy định.

Luật sư Toại cũng cho biết: Ngoài việc xử lý các đối tượng mua giấy chứng nhận tâm thần giả thì người bán giấy chứng nhận này là các cơ quan đã cấp các giấy chứng nhận bệnh tâm thần cho các đối tượng không đúng quy định của pháp luật, các cá nhân liên quan cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: Giả mạo trong công tác với hình phạt tù cao nhất lên tới năm tù hoặc tội nhận hối lộ với mức phạt tù cao nhất là tử hình. Ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.