Đi vài vòng chợ, chị Nguyễn Thu Hương, ở Bách Khoa, Hà Nội mới mua đủ thực phẩm trong ngày. Không phải chị mua nhiều, cầu kỳ món này món kia mà là lựa chọn để phù hợp mức thu nhập công nhân của mình. Chị chia sẻ, giá thực phẩm không tăng đột biến, nhưng cứ nhích lên chút một. Và chỉ đến cuối tháng, tổng kết thu chi chị mới nhận ra là số tiền cho ăn uống hàng ngày đã tăng đáng kể.

Chị Hoàng Thanh, ở Bạch Mai, Hai Bà Trưng cũng than thở, bây giờ đi chợ khó lắm. Tiền thì chỉ có vậy mà nhu cầu ăn uống ngày càng cao, giá cả thực phẩm thì không thấy giảm mà chỉ có tăng. Ngày trước, nhiều người vẫn hay nói “tiền ăn uống hàng ngày chẳng đáng bao nhiêu”. Thế nhưng, giờ thì khác rồi, nhiều người cảm thấy đi chợ mà như bị "mất cắp".

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 5 vừa qua, giá gạo, thịt gia cầm, thịt bò … giảm nhẹ nhưng chỉ số giá thịt lợn và nhiều loại rau quả lại gia tăng khoảng 2% so với tháng trước. Nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm nay tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Băn khoăn, tính toán mua thực phẩm gì cho bữa ăn gia đình, sao cho đảm bảo dinh dưỡng nhưng tiết kiệm nhất là tâm trạng của không ít người nội trợ trong giai đoạn này. Đặc biệt, tại những TP lớn có mức giá đắt đỏ nhất cả nước như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc đi chợ hàng ngày đòi hỏi người tiêu dùng phải tính toán thật chi li, khéo léo để đảm bảo tài chính trong sinh hoạt hàng ngày.

Ông Dương Văn Hùng – Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội đầu bếp Việt Nam cho biết, hiện nay, không chỉ phải lựa chọn thực phẩm sao cho an toàn, chất lượng mà trước tình hình giá cả thực phẩm có xu hướng gia tăng, việc tổ chức những bữa ăn sao cho khoa học, hợp lý và tiết kiệm là bài toán khó đặt ra đối với người nội trợ.

Trước khi đi chợ, người nội trợ cần phải quan tâm đến nhu cầu, thói quen, sở thích ăn uống cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình để xác định số lượng thực phẩm cũng như chủng loại thực phẩm cần mua. Bên cạnh đó, cũng nên để ý tới điều kiện thời tiết để lên thực đơn cho phù hợp. “Mùa nào thức nấy” - bạn nên mua các loại rau củ quả vào dịp chính vụ vì giá cả sẽ rẻ hơn so với trái vụ. Đồng thời, dụng cụ chứa đựng, lưu trữ thực phẩm trong gia đình cũng là một yếu tố cần tính đến trước khi đi chợ. “Nếu tủ lạnh nhỏ mà chúng ta mua quá nhiều thực phẩm, rau củ quả tươi, không sử dụng hết được ngay và phải để ở điều kiện nhiệt độ phòng bình thường thì các sản phẩm này rất dễ bị hư hỏng, nhất là trong thời tiết nóng bức của mùa hè. Do đó, người nội trợ cũng nên quan tâm là chúng ta có những dụng cụ chứa đựng, dụng cụ bảo quản ra sao để cất trữ thực phẩm và dùng được trong nhiều ngày mà không bị lãng phí các loại nguyên liệu, vừa đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng vừa tiết kiệm.” -anh Dương Văn Hùng nói.

Một kinh nghiệm giúp bạn tiết kiệm khi đi chợ đó là nên mua với số lượng nhiều để dùng trong vài ngày hoặc một tuần, sau đó chia nhỏ và bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần. Việc mua thực phẩm với số lượng nhiều có thể rẻ hơn so với mua ít một và cũng dễ để người nội trợ kết hợp và tận dụng các loại nguyên liệu khi chế biến bữa ăn hàng ngày.

Nhiều người chọn cách đi chợ muộn vào cuối buổi hoặc là cuối ngày để mua được thực phẩm với giá cả rẻ hơn. Anh Dương Văn Hùng cho biết, thông thường, tại chợ dân sinh không có các điều kiện bảo quản thực phẩm lạnh hoặc mát như ở siêu thị và thời gian bảo quản của mỗi loại thực phẩm cũng khác nhau. Ví dụ như rau và các loại củ quả hoặc tôm, cá …còn sống thì dù bày bán từ sáng đến cuối ngày cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Tuy nhiên, các loại thịt, cá đã giết mổ mà để ở nhiệt độ thường thì rất dễ bị biến chất sau một khoảng thời gian nhất định, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua các sản phẩm này, phải chú ý kiểm tra thật kỹ bằng cảm quan như miếng thịt, cá vẫn còn hồng hào, khô ráo, ấn tay vào có độ đàn hồi, không có mùi ôi thiu. Khi mua về nên chế biến ngay và nấu chín kỹ. Tuy nhiên, anh Dương Văn Hùng cũng khuyên người tiêu dùng không nên vì ham của rẻ mà mua thực phẩm đã có dấu hiệu bị biến đổi về mặt cảm quan và chất lượng, không đảm bảo dinh dưỡng cũng như an toàn, vệ sinh.