Vì trong nhà có người bị nhiễm sán chó mèo, sán lươn nên bé Nguyễn Minh Quân 7 tuổi được mẹ đưa từ huyện Diễn Châu ra Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để kiểm tra xem có nhiễm sán không. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, bằng các xét nghiệm chuyên sâu các bác sĩ phát hiện có trứng sán dây nhỏ Hemynolepis spp đặc hiệu trong phân và chẩn đoán bé Q. mắc bệnh sán dây chuột.

"Bác sĩ nói là do lấy từ chuột, 1 là ăn phải những thứ chuột đi qua, hoặc ăn phải phân chuột, nhưng cháu lớn rồi, đủ nhận biết cái gì nên ăn nên chắc là ăn phải cái gì đó bị chuột chạy qua" - chị Vũ Thị Lan mẹ bé Quân. cho biết.

Cũng theo chị Lan, từ năm ngoái thỉnh thoảng bé Quân bị đau ở vùng quanh rốn, nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa nên chị mua men tiêu hóa cho con uống. Khoảng 1 tháng trở lại đây, thấy con thường xuyên ăn kém, tình trạng rối loạn tiêu hóa xảy ra nhiều hơn chị Lan mới đưa đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám tìm ký sinh trùng và rất hoang mang khi biết con mắc bệnh mắc sán dây chuột.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Văn Thị Thơ - Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh này, nhưng hay gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh do 2 loài sán là Hymenolepis nana (bệnh sán dây lùn) và Hymenolepis diminuta (bệnh sán dây chuột) gây nên.

Chuột vừa là vật trung gian vừa là vật chủ chính gây bệnh. Sán dây chuột có thể đi trực tiếp vào cơ thể con người hoặc gián tiếp thông qua đường ăn uống, tiếp xúc.

Với trường hợp của bé Quân, theo bác sĩ Văn Thị Thơ có thể do trong quá trình ăn uống, sinh hoạt bé đã ăn phải đồ ăn có chứa trứng dây sán nhỏ hoặc nước uống, bàn tay có nhiễm trứng sán, hoặc ấu trùng chưa trưởng thành có trong các loại động vật như chuột, gián hoặc mọt cám (có trong gạo, ngũ cốc).

Khi nuốt phải trứng sán hoặc ăn các thực phẩm có nhiễm sán dây nhỏ, trong vòng 10 ngày sẽ phát triển thành sán trưởng thành, khu trú ở ruột non, tạo ra các ổ loét khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng đau bụng vùng thượng vị hoặc đau quanh rốn. Tuy nhiên những triệu chứng này dễ nhầm với bệnh lý đường tiêu hóa nên thường bị bỏ qua.

"Nếu không được phát hiện và điều trị số lượng sán trưởng thành sẽ gia tăng nhanh chóng trong ruột, để lại nhiều hậu quả về sức khỏe cho bệnh nhân như gây ra chán ăn, đau quặn bụng. Nếu số lượng sán trong cơ thể nhiều sẽ thải ra các độc tố gây ảnh hưởng tới thần kinh như đau đầu, chóng mặt, khó ngủ, với trẻ nhỏ thì ngứa vùng thân dưới..." - bác sĩ Thơ nói.

Đặc biệt, người mắc sán dây chuột nếu không được điều trị triệt để sẽ là nguồn lây cho những người xung quanh. Để phòng bệnh, bác sĩ Thơ khuyến cáo "nên ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường nơi ở. Đặc biệt cần đậy kín đồ ăn thừa đậy kín để ngăn chuột, gián xâm nhập vào. Nếu thấy gạo có hiện tượng mối, mọt không nên sử dụng vì đó là ổ chứa mầm bệnh...".

Với người từng mắc và đã điều trị khỏi bệnh sán dây chuột, bác sĩ Thơ lưu ý vẫn có thể tái nhiễm nếu ăn phải trứng sán dây nhỏ vì thế trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày không nên chủ quan...

Nghe bài viết tại đây: