Trước thời điểm triển khai hệ thống bệnh án điện tử, mỗi khi đi buồng thăm khám bệnh nhân, vật dụng không thể thiếu đối với điều dưỡng Phạm Trung Kiên ở Trung tâm tiêu hóa gan mật là tập hồ sơ bệnh án để ghi lại diễn biến của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Những thông tin này sau đó sẽ được chép lại vào bệnh án để hoàn thiện hồ sơ. Nhưng hiện nay, tập hồ sơ bệnh án đã được thay bằng chiếc Ipad, điều dưỡng Kiên chỉ cần nhập mã bệnh nhân là toàn bộ thông tin sẽ xuất hiện và anh cũng có thể cập nhật ngay tại chỗ về tình hình của bệnh nhân vào bệnh án điện tử.

"Ví dụ với bệnh nhân này trên hệ thống đã có các thông số cơ bản, từ nhận định toàn trạng đến nhận định chuyên sâu nên khi chúng tôi vào chăm sóc chỉ cần nhấn đúp vào là có đủ thông tin nên rút ngắn được thời gian, có thể hỏi tình trạng của bệnh nhân và hoàn thiện hồ sơ tại chỗ mà không phải lặp lại lần 2" - điều dưỡng Kiên cho biết.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hiền – TT tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Bạch mai, từ khi triển khai bệnh án điện tử, các khoa phòng trong bệnh viện đều liên thông với nhau. Bệnh nhân sau khi khám ở Khoa khám bệnh hay Trung tâm cấp cứu, nếu phải chuyển đến các khoa điều trị khác thì nơi tiếp nhận ngay lập tức đã có đầy đủ thông tin của bệnh nhân đó. Vì thế, mọi thủ tục đều được rút gọn so hơn với trước và rất thuận tiện cho các y bác sĩ trong quá trình theo dõi bệnh nhân.

"Ví dụ khi bệnh nhân chuyển từ khoa cấp cứu chuyển lên, chúng tôi có thao tác chuyển phòng trên hệ thống phầm mềm His, bệnh nhân hoàn toàn không cần cầm theo giấy tờ gì. Còn trước thì phải có bệnh án, có xét nghiệm..., bây giờ có bệnh án điện tử chúng tôi xem trực tiếp thông tin trên máy biết được quá trình khám ở dưới Khoa Cấp cứu như thế nào, đã làm xét nghiệm gì và chỉ cần 5-10’ để nhập thông tin bệnh nhân vào bệnh án thôi" - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hiền nói.

Nhiều bệnh nhân đến đây điều trị khá bất ngờ khi các thủ tục khám, nhập viện đều rất nhanh gọn. Bệnh nhân Nguyễn Thị Bé ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, năm ngoái bà đã từng khám ở đây nên lần này xuống bà chỉ cần xuất trình căn cước công dân là mọi thông tin được hiển thị: "Mọi lần phải mang hết giấy tờ để nhập viện, nhưng năm ngoái khám xong bác sĩ đã lưu lại hồ sơ nên lần này đi không phải mang hồ sơ đi nữa".

Một bệnh nhân khác là ông Lê Việt Hùng ở quận Đống Đa, TP Hà nội, sau khi hoàn tất các xét nghiệm ở Khoa khám bệnh, chỉ sau khoảng 5’ ông được hoàn thiện được hồ sơ nhập viện. "Cách làm như hiện nay rất thuận lợi cho bệnh nhân" - ông Hùng nói.

Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thái Sơn-Phó Trưởng phòng KHTH, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 7.000 - 10.000 người bệnh đến khám ngoại trú và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Kể từ ngày 1/11 đến nay toàn bộ bệnh nhân điều trị ở đây đều được thiết lập hồ sơ bệnh án điện tử trên hệ thống, giúp việc điều trị cho bệnh nhân được công khai, minh bạch.

"Qua 2 tháng triển khai chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm tích cực như giảm thời gian chờ đợi của người bệnh vì người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh qua điện thoại hoặc ứng dụng di động để chọn ngày, giờ khám. Trên cơ sở đó chúng tôi có kế hoạch cho từng nhóm bệnh để đạt được hiệu quả cao nhất. Thứ 2 là khi ứng dụng bệnh án điện tử, các y bác sĩ có thể biết được lịch sử khám, điều trị của bệnh nhân, có thể xem được hồ sơ bệnh án ở mọi lúc, mọi nơi, từ đó có phương án điều trị phù hợp. Thứ 3 là tiết kiệm được chi phí lưu hồ sơ bệnh án, in phim... và đặc biệt vì giảm bớt khối lượng công việc liên quan đến xử lý hồ sơ bệnh án thủ công nên nhân viên y tế có nhiều thời gian hơn dành cho công tác điều trị" - thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thái Sơn cho biết.

Là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai chuyển đổi số toàn diện, giai đoạn đầu Bệnh viện Bạch Mai cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là những vấn đề về chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của dữ liệu... nhưng theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thái Sơn, bệnh viện đã xác định triển khai bệnh án điện tử là xu hướng tất yếu, là bước đột phá quan trọng trong chuyển đổi số của ngành Y tế nên quyết tâm thực hiện.

"Đến thời điểm này chúng tôi đã có giải pháp để có được dung lượng lưu trữ tốt nhất, an toàn nhất. Hiện nay toàn bộ nhân viên y tế đã thực hiện tốt các thao tác nghiệp vụ trên hồ sơ bệnh án điện tử, tuy nhiên trong thời gian tới bệnh viện sẽ liên tục tổ chức các khóa đào tạo, đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng để làm sao có tốc độ nhanh hơn nữa" - Ths.BS CKII Trần Thái Sơn thông tin.

Theo kế hoạch năm 2025 này, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai thí điểm liên thông bệnh án điện tử với Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình mẫu triển khai liên thông đồng bộ từ kho dữ liệu y tế đến bệnh án điện tử của tất các tuyến y tế trên cả nước. Khi đó, người dân sẽ được chăm sóc và quản lý sức khoẻ một cách toàn diện nhất.

Nghe bài viết tại đây: