Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bệnh viện đang điều trị cho 130 ca Covid-19. Trong số này, có 3 bệnh nhân nguy kịch, 6 bệnh nhân nặng, các trường hợp còn lại có diễn tiến bệnh ở mức trung bình.

Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 68 ca Covid-19. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận trên dưới 5 bệnh nhân Covid-19. Hiện Bệnh viện Thanh Nhàn có 3 F0 chuyển nặng, phải thở oxy, trong đó có 2 bệnh nhân thở oxy dòng cao và 1 bệnh nhân thở oxy mask. Những trường hợp này đã tiêm vaccine Covid-19, tuy nhiên do họ đều mang bệnh nền, điển hình là phổi tắc nghẽn mạn tính, nên có nguy cơ cao. Các bác sĩ đánh giá, tiên lượng của 3 bệnh nhân này tương đối khả quan.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhận điều trị tổng số 428 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 45 trường hợp thở oxy, 31 ca phải thở máy, 4 trường hợp thở HFNC (oxy dòng cao), 3 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) và 13 trường hợp lọc máu liên tục.

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tại Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho 2 bệnh nhân có địa chỉ ở Hà Nội.

"Cả 2 bệnh nhân đều khá nặng và phải thở máy. Trong đó, một bệnh nhân 79 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine, nhưng vừa hoàn thành tiêm chủng chưa lâu thì mắc bệnh. Trường hợp còn lại là sản phụ mang bầu 29 tuần chưa tiêm vaccine", bác sĩ Phúc thông tin.

Bác sĩ lưu ý, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng nhưng vaccine chỉ bắt đầu có hiệu quả, giúp sản sinh miễn dịch ở ít nhất 2 tuần sau tiêm. Do vậy, người dân không nên chủ quan mà lơ là các khuyến cáo phòng dịch của ngành y tế.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ, các tỉnh thành nên đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn tiến nặng và tử vong, đặc biệt là nhóm trên 50 tuổi.