Vũ Thị Bích Thủy - bệnh nhân rối loạn đông máu đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu TƯ. Thủy nằm điều trị ở đây đã 10 tháng, số lần đi – về giữa viện và Hải Phòng quê Thủy rất hạn chế. Thủy có 1 nỗi sợ mơ hồ rằng những chuyến xe khách đó, chẳng may có người nhiễm bệnh, việc điều trị sẽ bị gián đoạn, và với một bệnh nhân rối loạn đông máu như em thì điều này rất nguy hiểm.

Khác với Thủy, Nguyễn Xuân Hiếu đóng 2 “vai” ở Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Hiếu vừa là bệnh nhân, cũng là người nhà, vì em trai Hiếu cũng đang điều trị ở đây. Dịch Covid 19 ảnh hưởng đến mỗi bệnh nhân Hemophilia như Hiếu theo một cách riêng: Không vì covid thì em được phẫu thuật, chuyển viện phải sàng lọc các kiểu thì mất tiền.

Em chưa được 18 tuổi thì có tiêm vaccine Covid 19 được không? Câu hỏi của Nguyễn Hải Đăng, cậu bé ở Hòa Bình. Đăng nhỏ thó, sau lưng là 1 ba – lô to lỉnh kỉnh. Mỗi tuần 1 lần, Đăng phải lên Trung tâm Hemophilia để điều trị. Từ năm ngoái đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, việc điều trị của Đăng cũng như các bệnh nhân khác bị ảnh hưởng: nếu có thuốc em cũng hỏi ý kiến bố mẹ em để tiêm, em có bệnh đi đến bệnh viện như thế này nhiều nguy cơ.

Còn rất nhiều những bệnh nhân khác đang điều trị tại Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng mong được tiếp cận vaccine phòng Covid -19, bởi “bình thường bệnh của chúng tôi đã rất nguy hiểm đến tính mạng, vướng vào Covid thì nguy cơ cao hơn……

Theo TS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW: nguy cơ nhiễm Covid -19 là như nhau ở tất cả các đối tượng. Tuy nhiên hiện bệnh nhân Hemophilia là 1 trong 9 nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng với vaccine Astra Zeneca để có thêm thông tin và dữ liệu nghiên cứu thận trọng hơn với nhóm bệnh nhân này.

Với những vaccine được nhập khẩu và cấp phép tới đây như Pfizer, Moderna…….thì bệnh nhân Hemophilia đều có thể tiêm.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Mai lưu ý những vấn đề sau khi tiêm vaccine phòng Covid -19.

  • Vaccine nên được tiêm bắp và nên sử dụng kim cỡ nhỏ nhất hiện có (cỡ 25‐27), nếu có thể.
  • Người bệnh nên tạo áp lực lên vết tiêm ít nhất 10 phút sau tiêm để giảm chảy máu và sưng tấy. Nên tự kiểm tra vùng tiêm, đảm bảo rằng không có tụ máu chậm.
  • Đối với người bệnh máu khó đông nặng/trung bình hoặc bệnh von Willebrand loại 3 (VWD), bất kể có được điều trị dự phòng thường xuyên hay điều trị theo yêu cầu, nên tiêm vắc xin sau khi tiêm yếu tố VIII/IX, hoặc sau khi tiêm chế phẩm chứa yếu tố von Willebrand.
  • Người bệnh máu khó đông mức độ nhẹ có nồng độ yếu tố VIII hoặc IX ban đầu dưới 10% cũng có thể cần điều trị dự phòng chảy máu trước khi tiêm phòng và nên tham khảo ý kiến của trung tâm hemophilia.
  • Người bệnh đang sử dụng emicizumab (có hoặc không có chất ức chế) có thể được chủng ngừa bằng cách tiêm bắp bất cứ lúc nào mà không cần thêm biện pháp dự phòng chảy máu.