Bệnh viện dã chiến thứ 2 của tỉnh Hải Dương có quy mô 210 giường bệnh đã đón 26 bệnh nhân đầu tiên. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngay đêm 28/1, đoàn chi viện của Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp cùng trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, các cơ quan ban ngành tỉnh để đưa ra phương án nhanh nhất có thể. “Ban đầu chúng tôi điều động 27 cán bộ y tế bao gồm các chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm, đã từng tham gia chống dịch tại Đà Nẵng về Hải Dương trực tiếp hỗ trợ. Đồng thời triển khai lắp ráp ngay các phương tiện máy móc, trang thiết bị tại bệnh viện dã chiến” - GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Cùng với đó, Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp 80 giường dã chiến, trang thiết bị thiết yếu để đảm bảo Bệnh viện dã chiến tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đi vào hoạt động được ngay. Ví dụ như máy chụp X-quang di động, máy siêu âm 4D, điện tâm đồ, đầy đủ các xét nghiệm cần thiết để có thể triển khai ngay khi điều kiện tại địa phương cho phép.

Sau 22 giờ đồng hồ nhận lệnh từ Bộ trưởng Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bệnh viện dã chiến Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã hoàn thành, đủ khả năng tiếp nhận cho khoảng 210 bệnh nhân COVID-19, 10 giường cấp cứu và có tới 26 giường điều trị tích cực kèm theo thở máy. Ngoài ra, phòng mổ dã chiến phục vụ các trường hợp bệnh nhân gặp sự cố cấp tính (viêm ruột thừa, mổ đẻ…) đã được thiết lập. Trong tương lai, tùy điều kiện tình hình của dịch, bệnh viện dã chiến này có thể mở rộng thêm 400 giường.

PGS.TS Đinh Thị Diệu Hằng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết: “Chúng tôi đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo và xâ dựng phương án sử dụng bệnh viện của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Chúng tôi quyết định không nhận thu dung bệnh nhân mắc các bệnh khác, dành bệnh viện làm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19”.

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được Bộ Y tế giao 2 nhiệm vụ: Thứ nhất là tham gia điều tra dịch tễ học để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Thứ 2 là tham gia điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. “Với 2 nhiệm vụ này, chúng tôi đã huy động toàn bộ cán bộ, giảng viên, viên chức của ngành y tham gia tập huấn. 80 bác sĩ và các điều dưỡng cũng như 100 em sinh viên năm cuối của hệ điều dưỡng tham gia công tác điều trị. Huy động thêm 1.000 sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối sẵn sàng tham gia công tác điều tra dịch tễ và truy vết, lấy mẫu xét nghiệm” - bà Diệu Hằng nhấn mạnh. Hiện nay, bệnh viện dã chiến đã hoàn thành xong hệ thống xử lý nước thải y tế và đã đưa vào vận hành đảm bảo được các điều kiện về môi trường an toàn.