Cách đây 5 năm, ông Tào Văn Thụ, 66 tuổi ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, đau tức nhiều vùng bụng trên, kèm vàng da, vàng mắt. Đi khám tại bệnh viện tỉnh, ông Thụ phát hiện khối u đầu tụy cần can thiệp phẫu thuật để tránh di căn sang các cơ quan lân cận.

“Bố tôi trước uống rượu nhiều, cứ mùa hè nóng mà ông uống rượu vào là đau dữ dội vùng trung tâm xương ức. Đi khám phát hiện ra u tụy, tâm lý cũng lo lắng”-anh Tào Văn Hưng, con trai ông Thụ cho biết.

Thời điểm đó, gia đình anh Hưng rất hoang mang không biết có nên chuyển bố anh lên tuyến trên điều trị hay không, vì anh được biết đây là một ca mổ rất phức tạp. Tuy nhiên, sau khi được các bác sỹ tư vấn, giải thích, gia đình anh đã yên tâm hơn nhiều. Chỉ sau 4 giờ đồng hồ, toàn bộ khối u đầu tụy của ông Thụ đã được loại bỏ, vết khâu liền và không có hiện tượng chảy máu. Bác sỹ thông báo ca phẫu thuật thành công trong sự vui mừng của cả gia đình anh Hưng.

Đến nay, sau 5 năm phẫu thuật, sức khỏe của ông Thụ bình thường, ông vẫn sinh hoạt và tập thể dục đều đặn. Anh Tào Văn Hưng chia sẻ, những mặt bệnh khó như trường hợp bố của anh được điều trị ngay tại tỉnh nhà đã đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như tiết kiệm chi phí và chăm sóc trong quá trình điều trị thuận tiện hơn.

Theo BS Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, vị trí của tụy trong hệ tiêu hóa giống như tâm ngã ba đường, liên quan trực tiếp đến nhiều cơ quan lân cận. Quá trình phẫu thuật có thể xảy ra biến chứng do phải tác động cùng lúc nhiều cơ quan trong cơ thể.

"Tụy liên quan đến nhiều cơ quan bộ phận nên khi loại bỏ khối u đầu tụy sẽ phải cắt nhiều bộ phận lân cận như phải cắt một phần dạ dày, cắt đầu tụy, cắt một phần ruột non, đường mật… Do vậy sẽ có nhiều biến chứng như chảy máu trong phẫu thuật vì có thể tổn thương hệ thống mạch máu xung quanh….. rồi vì cắt nhiều bộ phận như vậy thì miệng nối có thể gây rò đường tiêu hóa….”. BS Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Để triển khai thành công kỹ thuật khó này, toàn bộ e-kip phẫu thuật đã được cử đi đào tạo tại tuyến trên. Sau 1 năm chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản, các bác sỹ đã tự tin đưa kỹ thuật này vào thực hiện thường quy điều trị cho bệnh nhân u đầu tụy từ năm 2016 cho đến nay. Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang là một trong số ít bệnh viện tuyến tỉnh triển khai được kỹ thuật này.

Bệnh viện đã có sự chuẩn bị đầu tư về kíp phẫu thuật viên cũng như là hồi sức tích cực. Bác sỹ phẫu thuật phải là người có kinh nghiệm chuyên sâu mới có thể triển khai được kỹ thuật này. Tuyên Quang là một tỉnh miền núi rất nhiều bệnh nhân khó khăn nên làm được điều này sẽ giúp những bệnh nhân không có điều kiện chuyển lên tuyến trên được điều trị ngay tại địa phương….”

BS Nguyễn Hồng Sơn cho biết, những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư đầu tụy trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên do nhận thức còn hạn chế nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm bệnh và kịp thời phẫu thuật, sẽ giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ. BS Sơn khuyến cáo, khi có biểu hiện ăn uống kém, gầy sút cân, đau âm ỉ vùng thượng vị, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.