Theo thống kê của Globocan năm 2020, mỗi năm nước ta có khoảng 4.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó hơn 2.000 ca tử vong. Đây là một bệnh lý ác tính, rất thường gặp ở ở phụ nữ độ tuổi sinh sản. Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng, tiến triển âm thầm khiến người bệnh không nhận biết được, dẫn tới không điều trị từ sớm. Tuy nhiên, nếu chủ động tầm soát sẽ giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, người bệnh sẽ có cơ hội điều trị thành công. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nên thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Theo bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, phụ nữ nên thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung sau 21 tuổi và khi đã có quan hệ tình dục. Hiện có nhiều phương pháp giúp sàng lọc và tầm soát ung thư cổ tử cung nhưng tựu chung lại có 3 phương pháp cơ bản:
- Phương pháp đầu tiên và đơn giản nhất và thường được khuyến cáo áp dụng những cơ sở y tế tuyến xã là quan sát trực tiếp có hỗ trợ của một số hóa chất để nhận biết sự biến đổi bất thường của cổ tử cung. Tuy nhiên, độ chính xác của phương pháp này không cao.
- Phương pháp thứ hai là xét nghiệm phiến đồ âm đạo hay còn gọi là Papsmear. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy một ít dịch cổ tử cung và nhuộm soi dưới kính hiển vi để tìm ra những tế bào bất thường. Gần đây,phương pháp xét nghiệm phiến đồ âm đạo có một số cải tiến nhất định, đó là ThinPrep Pap, giúp giải phẫu chính xác hơn và phát hiện ra tế bào ung thư với độ nhạy cao hơn.
-Phương pháp thứ ba đó là xét nghiệm HPV, tức là tìm đúng với tác nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung,đặc biệt là 14 type virus có nguy cơ cao gây bệnh ung thư cổ tử cung, trong đó nguy cơ cao nhất là virus HPV type 16 và 18. Việc phát hiện sự tồn tại của virus HPV trong cơ thể phụ nữ sẽ giúp bác sĩ đánh giá được nguy cơ mắc bệnh và có những phương pháp phòng ngừa hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương cũng cho biết, thông thường các xét nghiệm HPV thường được thực hiện kết hợp với xét nghiệm phiến đồ âm đạo. Nếu như phát hiện các tế bào biến đổi bất thường cùng với kết quả HPV dương tính, người phụ nữ sẽ được bác sĩ hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn và có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm bình thường và không phát hiện virus HPV thì chị em có thể yên tâm và tiếp tục theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ. “Nếu như chúng ta áp dụng phương pháp đơn thuần là phiến đồ âm đạo thì theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm chúng ta sẽ làm lại xét nghiệm này. Nếu áp dụng đơn thuần phương pháp xét nghiệm HPV thì chúng ta sẽ thực hiện sàng lọc lại sau 3 năm. Trong trường hợp kết hợp sàng lọc bằng cả hai phương pháp là phiến đồ âm đạo và và xét nghiệm HPV thì sẽ thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung sau 5 năm” – BS Ngyễn Cảnh Chương cho biết.
BS Nguyễn Cảnh Chương, để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất là Tiêm vaccine phòng HPV. Tuy nhiên, dù đã tiêm vaccine, phụ nữ vẫn nên thực hiện tầm soát, sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ bởi vaccine chỉ phòng được 1 số type HPV nhất định trong khi loại virus này có nhiều type khác cũng có thể gây bệnh ung thư, dù hiếm gặp hơn.