Trước những diễn biến đáng lo ngại của COVID-19 tại Bình Dương, số ca nhiễm tăng cao, dẫn đến áp lực điều trị rất lớn. Lúc này, phải tập trung vào điều trị bệnh nhân nặng, việc truy vết trên diện rộng sẽ giảm hiệu quả khi số lượng người nhiễm quá lớn. Căn cứ vào diễn biến của dịch, nhiệm vụ của lực lượng y tế tại đây đang dịch chuyển từ "sàng lọc nhanh, truy vết nhanh" sang "điều trị chắc”. Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này là cứu sống được nhiều người nhất có thể.

GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Phó Trưởng ban Phòng chống dịch COVID-19, Trường ĐH Y Hà Nội - đơn vị đang có 350 cán bộ và sinh viên hỗ trợ Bình Dương chống dịch trong gần 2 tháng qua cho biết, để đáp ứng yêu cầu này, ĐH Y Hà Nội đã quyết định đảo quân, thay thế dần đội tình nguyện hiện tại (chủ yếu làm nhiệm vụ lấy mẫu) bằng đội ngũ chuyên gia về điều trị, là các bác sĩ có kinh nghiệm trong các lĩnh vực hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, tim mạch, gây mê, huyết học.

"Việc điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 là một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều so với công việc lấy mẫu và truy vết, đòi hỏi tất cả nhân viên y tế phải được đào tạo bài bản. Chúng ta không muốn mất đi bất kỳ mạng sống nào, của bất kỳ ai, dù là nhân viên y tế hay người dân. Do đó, việc thay đổi nhân sự chuyên môn trong thời điểm khó khăn này là để củng cố hệ thống điều trị"- GS Hương chia sẻ.

Việc đào tạo một người lấy mẫu và truy vết chỉ cần một tuần thì việc đào tạo một người sử dụng máy thở, oxy phải mất cả tháng. Để đảm bảo tốt công tác điều trị, bắt buộc phải có một chiến lược phù hợp để tái tạo sức lao động và bồi dưỡng chuyên môn.

Nhà trường đang chuẩn bị một kế hoạch dài hạn, đảm bảo bố trí công việc linh hoạt theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch, đồng thời tổng động viên cán bộ, người lao động của nhà trường, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ nội trú sẵn sàng tham gia việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân, sẵn sàng hỗ trợ khi có điều động của Bộ Y tế.

Trước đó, đội tình nguyện của trường trong gần 2 tháng đã tham gia lấy mẫu và truy vết các trường hợp có tiếp xúc tại 8 trung tâm y tế thành phố, huyện, thị xã và 2 bệnh viện của Bình Dương. Đoàn đã tham gia lấy mẫu cho 664.164 người và truy vết gần 7.500 trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh và hỗ trợ tiêm vaccine cho trên 10.000 người.