Ngày 12/4, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn số 2148/BYT-BMTE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo Cục Bà mẹ và Trẻ em, những ngày qua, báo chí đồng loạt đưa tin về vụ việc Nguyễn Đắt Vũ, sinh năm 1987, pháp danh Thích Vạn Chánh, thường trú tại phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục 7 trẻ em tại cơ sở Thập Thiện gây bức xúc dư luận xã hội.
Nhằm bảo đảm quyền trẻ em, tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại cho trẻ em, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Các tỉnh thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở có thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn (đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo) bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan.
Có biện pháp xử lý đối với những cơ sở không đăng ký, cơ sở tự phát, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Đặc biệt, hướng dẫn cha, mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em; giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em.
Tiếp tục quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), khuyến khích việc phát hiện sớm, lên tiếng, thông báo, tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em.
Các đơn vị thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ; giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em ở địa phương, đặc biệt với các hành vi che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.